Đầu tư - Tài chính

Bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối có thể tạo ra cơ chế độc quyền?

Admin

(CLO) Qua quá trình lấy ý kiến, nhiều thương nhân phân phối cho rằng: Bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau là hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, là phân biệt đối xử, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp có vị thế độc quyền…

Quan điểm trái chiều liên quan đến quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội xăng dầu. Về cơ bản, các ý kiến thống nhất với nội dung dự thảo Nghị định, song vẫn còn một số nội dung mang tính quan điểm. Ví dụ ý kiên liên quan đến quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu. 

Liên quan tới vấn đề này, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu đã tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Nhiều thương nhân phân phối xăng dầu được hình thành và phát triển trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu, tạo nên một hệ thống phân phối hoàn chỉnh bắt đầu từ khâu tạo nguồn (nhập khẩu, mua của nhà máy sản xuất) - phân phối - bán lẻ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: PLX)

Tuy nhiên, theo Vụ Thị trường trong nước, quy định hiện nay cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau thời gian qua bộc lộ một số điểm mà qua quá trình kiểm tra, thanh tra và điều tra, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra đã chỉ rõ.

Thứ nhất, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường.

Thứ hai, việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.

Thứ ba, việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau như hiện nay, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thực hiện ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối xăng dầu như đã trình bày. Dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng Bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau, loại bỏ số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường.

Qua đó, giúp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước;

Đồng thời, Cơ quan quản lý nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước.

Qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Nghị định, nhiều thương nhân phân phối cho rằng: Bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau là hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, là phân biệt đối xử, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp có vị thế độc quyền…

Các thương nhân phân phối xăng dầu đề nghị tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.

Quy định này sẽ tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân phân phối xăng dầu khác và thương nhân bán lẻ trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gặp sự cố đột ngột, trong khi lượng xăng dầu của thương nhân phân phối đã mua còn tồn nhiều, ngoài ra còn tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.

Trong thực tế, việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau không tạo ra nguồn cung mới cho thị trường do trách nhiệm đảm bảo nguồn cung thuộc về thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn.

Hơn nữa, theo ý kiến của cơ quan kiểm tra, thanh tra qua quá trình kiểm tra, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, đồng thời khó kiểm soát nguồn cung.

2 phương án của Bộ Công Thương

Tuy nhiên, Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến của các thương nhân, trình Chính phủ 2 phương án:

Phương án 1: Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau, chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Ưu điểm: Thực hiện theo ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối. Cắt bỏ việc mua bán xăng dầu lòng vòng qua các thương nhân phân phối xăng dầu tạo số liệu “ảo“ về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường. Qua đó giúp cho cơ quan quản lý nhà nước xác định được nhu cầu tiêu thụ trong nước, giúp cắt giảm chi phí kinh doanh trong chuỗi cung ứng.

Nhược điểm: Thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường hơn, thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, thương nhân phân phối hoàn toàn có thể trở thành thương nhân đầu mối nếu có nhu cầu và đáp ứng các quy định.

Phương án 2: Dự thảo Nghị định tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.

Ưu điểm: Phù hợp với kiến nghị của các thương nhân phân phối xăng dầu. Tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối xăng dầu.

Nhược điểm: Chưa thực hiện đúng ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra. Không xác định chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế trên thị trường khi các thương nhân mua bán qua lại lẫn nhau tạo số liệu “ảo“ về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường. Có nguy cơ dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ chỉ ở mức thấp khiến cho các doanh nghiệp bán lẻ hạn chế bán hàng ra thị trường do bị lỗ.

Định Trần