Doanh nghiệp

Chỉ được cấp phép phát hành các game dành cho độ tuổi từ 18 trở lên, nhưng khi đưa lên kho ứng dụng thì game của Gamota lại được chuyển thành 12+

Admin

(CLO) Năm 2023, Gamota được đăng ký phát hành 11 game, được Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phân loại dành cho độ tuổi 18+ và đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thế nhưng khi doanh nghiệp này đưa lên các kênh phân phối và phát hành là App Store, Google Play Store thì đều tự điều chỉnh số tuổi xuống 17+ và thậm chí còn 12+.

Gamota tự ý thay đổi độ tuổi của người chơi game từ 18+ xuống dành cho người từ 12 tuổi trở lên

Qua tìm hiểu của Báo Nhà báo & Công luận, trong năm 2023, Gamota - một nhà phát hành game online khá nổi tiếng tại thị trường Việt Nam do Công ty cổ phần Appota (Appota Group) sở hữu đã được cấp phép 11 game đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Bài liên quan
Gamota kiếm hàng trăm tỷ mỗi năm nhờ phát hành game có nguồn gốc Trung Quốc, nhưng công ty mẹ là Appota vẫn báo lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu

Điều chú ý là 10/11 game này đều được Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phân loại dành cho độ tuổi 18+. Một số cái tên game của Gamota có thể kể đến như: Tân Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Hắc Ảnh Vệ Thần, Huyễn Tướng 3Q, Tân 3Q Truyền Kỳ, Alo Chủ Tướng...

Mặc dù Gamota xin cấp phép và các game đã được phân loại dành cho độ tuổi từ 18 trở lên (18+), nhưng khi các game này được phân phối và phát hành trên các kho ứng dụng như App Store, Google Play Store thì đều được điều chỉnh lại độ tuổi của người chơi game xuống còn 17+, thậm chí còn game chỉ còn giới hạn dành cho người từ 12 tuổi trở lên.

Cụ thể, game Alo Chủ tướng – Gamota, Tân 3Q truyền kỳ, Beast Lord, Phantom Blade…  được phân loại 18+, nhưng khi đưa lên kho ứng dụng được điều chỉnh thành độ tuổi 17+. Thậm chí có game khi Gamota đưa lên các kho ứng dụng, từ game chỉ dành cho người 18 tuổi trở lên đã hạ xuống dành cho độ tuổi 12+ như: Ỷ Thiên Đồ Long Ký 3D. Thậm chí một số game được gamota đưa lên các kho ứng dụng cũng thay đổi độ tuổi xuống còn 12+ trên Google Play Store, trong khi trên AppStore thì là 17+.

Một số chuyên gia nhận định, việc tự ý thay đổi độ tuổi của người chơi xuống là hành vi vi phạm quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) liên quan đến việc phân loại trò chơi điện tử. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính minh bạch, mà còn có thể gây hại cho người chơi trẻ tuổi tương ứng với cùng độ tuổi có thể chơi các loại game tương ứng.

Vì sao cần quy định phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi?

Đầu năm 2024, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, thông qua công tác thanh tra trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ trờ chơi điện tử trên mạng đã nhận thấy, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng còn nhiều vi phạm.

Trong số đó phải kể đến việc các doanh nghiệp đã không thực hiện quy định đối với việc hiển thị kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi (18+) đối với trò chơi điện tử G1 (là dạng trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp).

Việc các doanh nghiệp không phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi trong từng trò chơi của doanh nghiệp là hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022 của Chính phủ.

Mặt khác, tại Điều 4, Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT, ngày 29/12/2014 của Bộ TT&TT đã quy định: “Trò chơi điện tử dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên, ký hiệu là 18+) là trò chơi có hoạt động đối kháng có sử dụng vũ khí; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh khiêu dâm.

Còn trò chơi điện tử dành cho thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên, ký hiệu là 12+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí nhưng hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh, rõ ràng; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người. 

Theo các chuyên gia, mặc dù đã có nghị định và thông tư quy định rõ về việc phân loại độ tuổi của người chơi game, nhưng có thể vì mở rộng thị trường và tăng doanh thu cho nên nhiều nhà phát hành game vẫn phớt lờ, thậm chí cố tình lách luật bằng cách xin cấp phép một đằng, nhưng phát hành một nẻo.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp phát hành game khi đưa lên các kho ứng dụng cần tuân thủ chính sách nội dung của các Store. Việc điều chỉnh độ tuổi của người chơi game cũng sẽ giúp các game dễ tiếp cận với các người chơi ở các độ tuổi tương ứng, nhưng mức độ ảnh hưởng thì khó có thể tính toán được.

Do đó, việc không tuân thủ quy định về phân loại độ tuổi có thể dẫn đến những hệ luỵ xấu cho người chơi, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Cần có sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng để bảo đảm các nhà phát hành game tuân thủ đúng quy định.

Việc xin cấp phép các game và được phân loại dành cho 18+, nhưng khi đưa lên các kho ứng dụng đã điều chỉnh lại số tuổi dành cho người chơi game của Gamota được cho là đến từ việc tiếp cận thêm người chơi nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận. Điều này cũng được Báo Nhà báo & Công luận tìm hiểu và được biết, chỉ riêng trong năm 2023, doanh nghiệp này đã báo doanh thu cao kỷ lục lên tới 450 tỷ đồng trong 5 năm trở lại đây. Về vấn đề này, Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ tới.

Ánh Dương