Thời sự

Củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Admin

(CLO) Cách đây 94 năm, ngày 18/11/1930, Trung ương Thường vụ Ðảng ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh. Chỉ thị này không chỉ là cơ sở cho sự ra đời của tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà còn là minh chứng cho thấy sự phát triển nhận thức của Đảng từ chỗ chỉ nhấn mạnh vấn đề đoàn kết giai cấp đến chỗ thấy được tầm quan trọng của vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Từ Chỉ thị của Trung ương tháng 11/1930

Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay trong “Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt”, ngay từ Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã vạch ra sự cần thiết phải xây dựng một Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm đoàn kết các giai tầng trong xã hội, các tổ chức chính trị, các cá nhân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh mọi nhân tố của dân tộc phấn đấu cho sự nghiệp chung giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I họp, đã nêu rõ sự cấp thiết phải thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế trong Án nghị quyết về vấn đề phản đế trong đó chỉ rõ việc tổ chức phản đế là trách nhiệm cần kíp của Đảng. Nhưng từ trước đến nay, Đảng chưa có phương pháp tổ chức đúng đắn nên chưa tập hợp tất cả các lực lượng phản đế trong một mặt trận thống nhất.

Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh.

Chỉ thị nêu rõ: Nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến phải kết hợp chặt chẽ với nhau, công nhân và nông dân là hai động lực chính của cách mạng, công nhân phải liên minh chặt chẽ với nông dân thì cách mạng mới thắng lợi, nếu giai cấp công nhân không tổ chức được toàn dân thành một lực lượng thật rộng, thật vững thì cách mạng cũng khó thành công. Từ trước đến nay, ta chưa nhận rõ vấn đề ấy, cho nên tổ chức cách mạng vẫn đơn thuần công nông, "thiếu mặt tổ chức thật quảng đại quần chúng, hấp thụ các tầng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc... cho tới cả những người địa chủ, có đầu óc oán ghét đế quốc Pháp, mong muốn độc lập quốc gia...".

Trong 10 năm tồn tại (từ 1941 - 1951), Mặt trận Việt Minh thực sự là biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết dân tộc. Trong ảnh: Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp. Ảnh tư liệu

Chúng ta chưa nhận thức rõ: tổ chức Hội Phản đế đồng minh là một nhiệm vụ của đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác ở thời đại đế quốc chủ nghĩa . “Do đó, chúng ta đã tách rời dân tộc cách mạng với giai cấp cách mạng làm hai đường mà chưa nhận định đúng là dân tộc cách mạng vẫn là một nhiệm vụ trong giai cấp cách mang. Sự chuyển biến lối này hay lối khác đó là hoàn cảnh từng nơi từng lúc, chứ không phải hai đường sai trái nhau”.

Thường vụ Trung ương Đảng cũng nêu rõ: Tổ chức Hội Phản đế đồng minh là chủ trương đúng đắn và khẩn thiết. Chỉ thị hướng dẫn cách thức tổ chức Hội Phản đế đồng minh trên cơ sở phong trào mạnh, yếu ở các địa phương khác nhau.

Ở những nơi phong trào đấu tranh mạnh mẽ như: Nghệ - Tĩnh, Quảng Ngãi, Thái Bình, có thể thành lập ngay Ban Chấp hành Hội Phản đế, rồi tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia, mở hội nghị đại biểu, quy tụ các tổ chức quần chúng (Nông hội, Công hội, Hội Phụ nữ...) và các đoàn thể có tính chất phường hội của nhân dân gia nhập.

Ở những nơi phong trào còn thấp, sử dụng các hình thức tổ chức biến tướng để tập hợp các tầng lớp nhân dân, sau đó tuyên truyền vận động hướng họ vào con đường cách mạng.

Chỉ thị được gửi tới các cấp ủy Đảng và toàn thể đảng viên khẳng định lại đường lối chiến lược và sách lược của Đảng trình bày trong Luận cương và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất mà trong giai đoạn lịch sử này việc tổ chức Hội Phản đế Đồng minh là chủ trương đúng đắn và cấp thiết.

Từ thời khắc 18/11/1930, Hội Phản đế đồng minh ra đời, đã là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay).

Không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Những năm tháng sau đó, mỗi thời kỳ cách mạng, Mặt trận mang các tên gọi khác nhau: Hội Phản đế Đồng minh (1930), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936), Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế (1939), Mặt trận Việt Minh (1941), Mặt trận Liên Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ở miền Bắc, 1955), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (1968), và từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhưng dù dưới tên gọi nào, Mặt trận, đã luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội, thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành các mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta. 

Ngày 18/4/1983, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá V) ra Chỉ thị số 17 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới” chỉ rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn nhất, vừa có tính chất liên hiệp rộng rãi, vừa có tính quần chúng sâu sắc. Mặt trận đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân lao động, là sợi dây nối liền các tầng lớp xã hội rộng rãi với Đảng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và xác định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể Nhân dân và của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”.

Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và cũng là “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc”.

Củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới

Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X Đỗ Văn Chiến tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029 vừa diễn ra tháng 10/2024 vừa qua.

Về mục tiêu của Mặt trận trong giai đoạn mới, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, cần thiết đưa ra những chương trình, nội dung có thể phát huy được sức mạnh trong nhân dân, bao gồm cả nhân tài, tiền tài, vật lực và sự đồng thuận của nhân dân; tiếp tục tập hợp, vận động, thuyết phục nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, ủng hộ các chương trình, hoạt động lớn do Đảng, Nhà nước phát động, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ, trong suốt 94 năm qua, MTTQ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò, sứ mệnh trong việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ, cổ vũ, động viên Nhân dân ta hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy, phát huy các nguồn lực, sức sáng tạo, góp phần thực hiện thành công những nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đến dự Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X. Ảnh: Minh Đạt

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, để thực hiện các mục tiêu, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại có ý nghĩa then chốt - đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên giữ vai trò nòng cốt có trách nhiệm vinh quang, cao cả. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu cấp bách, hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Nguyễn Hà