Đầu tư - Tài chính

Dòng vốn ngoại tiếp tục là kỳ vọng của thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2025

Admin

(CLO) Năm 2024, thị trường BĐS đã gặt hái nhiều thành công khi thu hút một lượng lớn dòng vốn ngoại với hàng loạt các thương vụ M&A đã được thực hiện. Nhờ đó mà tại một số thị trường trọng điểm đã ghi nhận sự đa dạng hóa của thị trường với nguồn cung gia tăng đáng kể.

Dòng vốn chảy mạnh vào nhiều loại hình

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư ) vừa công bố, tính đến hết năm 2024, ngành kinh doanh BĐS đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài với 6,31 tỷ USD (tăng 1,64 tỷ USD so với năm 2023) và chiếm 16,5% trong tổng số 38,23 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Số liệu này đã cho thấy sự dịch chuyển ngược dòng của thị trường BĐS Việt Nam so với thế giới, khi hút vốn đầu tư nước ngoài một cách mạnh mẽ.

Báo cáo mới công bố của Avison Young cũng nhận định, việc dòng vốn FDI liên tục đổ vào thị trường BĐS Việt Nam đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Các lý do được chỉ ra là với dân số và đô thị hóa mạnh, nhà đầu tư nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần, nhà ở, văn phòng và bán lẻ.

Theo đơn vị này, động lực mang tính điểm nhấn của năm là hạ tầng và khung pháp lý cải thiện. Trong đó, 2024 đánh dấu cột mốc chính sách khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực. Những thay đổi, điều chỉnh trong khung pháp lý giúp chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới và giao dịch, đặt nền móng để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

Thị trường BĐS Việt Nam có sức hút mạnh mẽ với dòng vốn đầu tư nước ngoài

Đặc biệt với BĐS nhà ở, trong năm qua, dòng vốn FDI đã đổ vào thị trường thông qua hàng loạt thương vụ M&A và hợp tác đầu tư. Đơn cử như thương vụ trị giá gần 1 tỷ USD, do một nhóm công ty có trụ sở tại Việt Nam đã mua lại 55% cổ phần của Công ty Phát triển đầu tư và Thương mại SDI. Hay thương vụ Sycamore Limited, công ty con của CapitaLand Group (Singapore) mua dự án nhà ở của Becamex IDC.

Tiếp đó là thương vụ hợp tác giữa Kim Oanh Group và 4 đối tác hàng đầu Nhật Bản, bao gồm Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi, NTT, AEON Việt Nam, để đầu tư dự án rộng 50 ha tại Bình Dương mang tên The One World có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, trong đó số vốn mà 4 doanh nghiệp góp là 350 triệu USD.

Một cái bắt tay thành công nữa được ghi nhận là Frasers (Singapore) hợp tác với Kim Oanh Group để phát triển dự án nhà ở rộng 27 ha tại thành phố mới Bình Dương. Ngoài ra, còn có các thương vụ như Nhà Khang Điền hút vốn của Keppel Land (Singapore) vào dự án bất động sản tại TP. Thủ Đức, TP.HCM; Phúc Khang nhận được cái bắt tay với doanh nghiệp Nhật Bản tại dự án sắp triển khai ở TP. Thủ Đức trong năm 2025…

Khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2025

Nhận định về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam thời gian tới, bà Nguyễn Lê Dung - Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư tới từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia có hoạt động tích cực. Bên cạnh đó Mỹ và Châu Âu cũng ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam. Trong đó, các phân khúc được các nhà đầu tư chú ý nhiều nhất gồm BĐS nhà ở, BĐS công nghiệp và BĐS thương mại.

Trong đó, loại hình BĐS nhà ở tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm do việc đô thị hóa cùng nhu cầu về nhà ở tăng cao trong các thành phố lớn tại Việt Nam. Nguồn cung các dự án mới được ghi nhận ở mức thấp do hạn chế về pháp lý đã làm phân khúc này luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng Bộ phận Môi giới và Đầu tư, Savills Hà Nội

Với BĐS công nghiệp, sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến loại hình này trở nên hấp dẫn. Sự gia tăng của BĐS công nghiệp này được thúc đẩy bởi sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng cao trên thị trường.

Ngoài ra, BĐS thương mại cũng nhận được sự quan tâm lớn, nhờ vào sự phát triển của thị trường bán lẻ và dịch vụ. Điều này phản ánh sự gia tăng nhu cầu tăng trưởng song song với loại hình BĐS đô thị và được hỗ trợ bởi các yếu tố như sự chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân, với việc ngày càng nhiều khách hàng ưu tiên trải nghiệm mua sắm tại các trung tâm thương mại và không gian dịch vụ đa chức năng khép kín.

Theo chuyên gia của Savill, nhà đầu tư hiện nay có xu hướng ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân hơn, nhờ vào tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh trong vận hành. Về quy mô và tổng mức đầu tư của các nhà đầu tư rất đa dạng và sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng phân khúc phát triển.

“Tuy nhiên, các nhà đầu tư đặc biệt chú trọng đến các dự án có khả năng phát triển bền vững và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng. Ngoài ra, vấn đề pháp lý sẽ được đặt lên ưu tiên do ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính”, Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư, Savills Hà Nội nhận định.

An Vũ