Đầu tư - Tài chính

Giá thực phẩm tại Nga đang tăng chóng mặt

Admin

(CLO) Trên thực tế, không chỉ ở Nga, áp lực lạm phát đã lan rộng khắp châu Âu. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố như xung đột Nga - Ukraine kéo dài, thiếu hụt nguồn cung và lao động, chi phí tiền lương cao, lệnh trừng phạt và chi phí sản xuất tăng.

“Giá thực phẩm cơ bản đã tăng trong ba năm qua. Giá cả ngày càng tăng tốc chóng mặt, đặc biệt là năm nay”, Stanislav, cư dân Moscow, chia sẻ với CNBC.

“Tất nhiên là tùy thuộc vào loại thực phẩm. Một số loại hàng hóa giảm giá, ví dụ như kiều mạch. Vào năm 2020, giá của nó tăng cao vì đại dịch Covid-19, nhưng hiện tại đã giảm ba lần. Nhưng đây là ví dụ duy nhất về việc giá giảm. Tất cả các loại thực phẩm khác đều tăng giá. Tôi nghĩ là khoảng 10%–40% mỗi năm”, ông nói thêm.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Auchan Retail International ở Moscow, Nga. Ảnh: CNBC.

Vào tháng 10, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga đạt 8,5%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương. Điều này đã thúc đẩy ngân hàng tăng lãi suất lên 21% vào tháng trước, đây là mức cao nhất trong hơn 20 năm. Thậm chí, nhiều chuyên gia dự kiến Nga ​​sẽ tăng thêm lãi suất vào tháng 12.

Cho đến nay, lãi suất cao chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ làm giảm tốc độ tăng giá, đặc biệt là lạm phát thực phẩm khiến người tiêu dùng cảm thấy lo lắng. Theo dữ liệu hàng tuần từ Rosstat, các sản phẩm từ sữa, dầu hướng dương và rau quả (đặc biệt là khoai tây, với giá tăng 74% kể từ tháng 12/2023) nằm trong số những mặt hàng liên tục tăng giá do cầu vượt cung.

Cụ thể, theo số liệu do Tổng cục Thống kê Liên bang Nga công bố ngày 14/11 cho biết giá 1kg khoai tây đã tăng ít nhất 73% trong khi giá bơ tăng hơn 30% (so với thời điểm đầu năm 2024). Hai sản phẩm này đứng đầu danh sách do cơ quan này tổng hợp.

Các loại rau củ khác (như hành tây và củ cải đường) tăng hơn 20%, sữa chua, sữa, bánh mì và cá đều tăng từ 12%-15% so với mức giá của năm 2023.

Anton Barbashin, nhà phân tích chính trị người Nga và là biên tập viên của tạp chí Riddle, cho biết giá cả tăng là điều không thể tránh khỏi đối với hầu hết người dân, ông nói với CNBC rằng "thực tế là một nửa số người Nga chi phần lớn thu nhập của họ vào thực phẩm, vì vậy họ cảm nhận lạm phát rõ nhất".

"Cho đến nay, chiến lược của hầu hết người Nga là hạ thấp mô hình tiêu dùng của họ, lựa chọn hàng hóa chất lượng thấp hơn. Hoãn mọi giao dịch mua dài hạn. Tuy nhiên, căng thẳng này không được phân bổ đều. Moscow vẫn chưa cảm nhận được nhiều rắc rối. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là người dân ở các thị trấn nhỏ nhất và vùng nông thôn", ông lưu ý.

Người mua sắm mang theo xe đẩy để chọn rau và trái cây tại siêu thị Okey ở St. Petersburg. Ảnh: CNBC.

Trên thực tế, không chỉ ở Nga, áp lực lạm phát đã lan trên rộng khắp châu Âu. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố như xung đột Nga - Ukraine, thiếu hụt nguồn cung và lao động, chi phí tiền lương cao, lệnh trừng phạt và chi phí sản xuất tăng.

Những nguyên nhân khác có thể nhắc đến như sự chuyển dịch của Nga sang nền kinh tế định hướng chiến tranh kể từ năm 2022, với sự gia tăng lớn về chi tiêu quốc phòng và sản xuất phần cứng quân sự trong nước được ưu tiên hơn sản xuất nông nghiệp.

Theo dự thảo ngân sách, tổng chi tiêu liên bang năm 2025 của Nga đạt hơn 41 nghìn tỷ Ruble (khoảng hơn 416 tỷ USD). Trong đó, hơn 13,5 nghìn tỷ Ruble (khoảng 133 tỷ USD) – tương đương gần 40% tổng chi ngân sách – sẽ được phân bổ cho lĩnh vực quốc phòng. Đây là mức chi tiêu quân sự lớn nhất mà Nga từng ghi nhận kể từ sau thời Liên Xô.

Con số này không bao gồm các khoản chi tiêu khác được chuyển hướng cho chiến dịch quân sự, như "an ninh trong nước" và một số mục chi được phân loại là tuyệt mật.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, chi tiêu quốc phòng của Moscow liên tục tăng mạnh. Nếu được thông qua, ngân sách quốc phòng năm 2025 sẽ chiếm 32,5% tổng chi tiêu liên bang, vượt xa tỷ lệ 17% vào năm 2022 và gần gấp đôi mức 19% năm 2023.

Ngoài ra, ngân hàng Trung ương Nga đã phải áp dụng các biện pháp phi truyền thống để duy trì ổn định tài chính. Lãi suất được đẩy lên mức 21%, một mức cao chưa từng có, khiến các doanh nghiệp phi quốc phòng gần như không thể tiếp cận vốn vay.

Ngành công nghiệp dân sự của Nga đang bị tước đoạt nguồn nhân lực chất lượng. Hàng trăm nghìn lao động có trình độ đã chuyển sang ngành quốc phòng, để lại một khoảng trống lớn trong các lĩnh vực kinh tế then chốt. 

Theo nhiều nguồn tin, nền kinh tế Nga đã hoạt động tốt hơn dự kiến. Quỹ Tiền tệ Quốc tế kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm nay.

Trong khi đó, RT đưa tin rằng Ngân hàng Thế giới (WB) tăng mạnh dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế Nga, dự kiến ​​GDP của Nga sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay. Con số này tăng mạnh so với dự báo trước đó của WB là 2,9%.

WB cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2025 lên 1,6%, tăng so với mức 1,4% dự báo ​​vào tháng 6, theo Bản cập nhật kinh tế châu Âu và Trung Á mới nhất được công bố hôm 17.10. Dự báo cho năm 2026 vẫn không đổi ở mức 1,1%.

An Nhiên (Theo CNBC)