Thời sự

Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở một số khu vực: Phải làm nhưng làm cách nào?

Admin

(CLO) Chỉ còn hơn một tuần nữa, Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở một số khu vực. Chủ trương này được cho là xuất phát từ việc ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội được nhiều người quan tâm, đặc biệt trước thông tin cho rằng “Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới”. Theo chuyên gia, phân vùng phát thải thấp là mục đích tốt nhưng Hà Nội cần triển khai theo lộ trình, đáp ứng các điều kiện vận tải công cộng và phương tiện thay thế.

Hà Nội chọn thí điểm vùng phát thải thấp tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình

Vừa qua, HĐND TP. Hà Nội thông qua nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô sửa đổi. Vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Theo nghị quyết, từ năm 2025 đến 2030, thành phố sẽ thí điểm lập vùng LEZ ở một số khu vực của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; đồng thời khuyến khích các quận huyện khác lập vùng này. Từ năm 2031 trở đi, các khu vực có một trong các tiêu chí sau sẽ phải thực hiện vùng LEZ.

Có hai tiêu chí, đó là vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; vùng thường xuyên ùn tắc giao thông và có chất lượng không khí trung bình năm đánh giá trong tối thiểu một năm gần nhất không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Những vùng LEZ sẽ phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo môi trường như: Cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel; hạn chế hoặc cấm ôtô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và môtô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 đi vào vùng LEZ theo thời điểm hoặc khu vực.

UBND thành phố sẽ đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện cơ giới đường bộ lưu thông trong vùng LEZ; đề xuất chính sách hỗ trợ người sinh sống và làm việc trong vùng LEZ, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang dùng năng lượng sạch, phương tiện không phát thải.

Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng LEZ và có các biện pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương.

Thảo luận tại hội trường trước khi bấm nút thông qua nghị quyết, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng đây là nghị quyết quan trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân Thủ đô. Trước khi áp dụng vùng LEZ, các cơ quan phải đánh giá được tác động kinh tế xã hội, đặc biệt với người dân khi phải chuyển đổi xe gây ô nhiễm sang phương tiện xanh.

Giải đáp ý kiến, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho hay dự thảo nghị quyết đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các sở ngành, quận huyện và người dân. Kết quả lấy cho thấy người dân cơ bản đồng tình.

Làm rõ thêm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho hay nghị quyết mới nêu nguyên tắc ban đầu về cơ chế chính sách hỗ trợ người dân sống trong vùng LEZ. Tại phiên chất vấn chiều 11/12, Chủ tịch thành phố gợi mở một số cơ chế hỗ trợ người sử dụng phương tiện, trước hết là xe máy ô nhiễm chuyển đổi sang điện. Sở đang xây dựng bốn dự thảo nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô, trong đó có chính sách liên quan đến nội dung này.

Hà Nội đang đối mặt với ô nhiễm không khí. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại thành phố vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn quy chuẩn Việt Nam từ 1,3 đến 1,6 lần.

Thành phố xác định nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, chiếm 58-74% tùy từng thời điểm (phương tiện phát thải chính là xe máy, tiếp đến là xe tải và taxi) và nguồn bụi đường. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, tổng số phương tiện của Hà Nội đến tháng 4/2024 là trên 8 triệu, trong đó hơn 1,1 triệu ôtô, khoảng 6,9 triệu xe máy. Số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm hơn 72% làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên.

Phải có lộ trình, tránh dân bị sốc

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội - cho biết việc cấm xe máy gây ô nhiễm vào nội đô đã được một số nước lân cận Việt Nam thực hiện từ nhiều năm nay, đặc biệt là tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Hà Nội áp dụng, ông Liên nói phải đánh giá xem có phù hợp với thực tế xã hội Việt Nam hay không. “Hoàn cảnh mỗi đất nước là khác nhau. Chúng ta phải xem xét để làm thế nào phù hợp với tình hình địa phương, mật độ dân số. Chúng tôi ủng hộ việc cấm xe máy gây ô nhiễm, tuy nhiên phải làm từ từ, có lộ trình, phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Nếu đùng đùng làm ngay sẽ gây sốc cho người dân, xã hội” - ông Liên nói. Ông Liên đánh giá việc cấm xe máy cũ sẽ rất khó khăn đối với khu vực nội đô Hà Nội, bởi đây là phương tiện chính của người dân. Vì vậy, nếu chưa có xe cộ, phương tiện công cộng thay thế, việc cấm xe máy là rất khó khả thi, gây khó khăn cho người dân.

Số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm hơn 72% làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên.

“Phải xem xét thật kỹ, làm sao phải tạo thuận lợi tối đa cho việc đi lại của người dân. Bởi thực sự hiện nay đa phần người dân là người lao động nghèo, không phải ai cũng có đủ điều kiện để chuyển sang xe điện hoặc mua một chiếc xe máy đắt tiền” - vị nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội nói.

Trước đó, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải - cho rằng quan điểm cấm xe máy, cấm ô tô để giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm là rất tốt về mặt mục tiêu, tuy nhiên phải hết sức cân nhắc những tác động tới đời sống của người dân. Theo ông Thủy, xe máy là phương tiện rất nhỏ gọn, thuận tiện cho người dân, trong điều kiện đa phần người dân đều là dân lao động có thu nhập chưa cao. Ông nêu thực tế hiện có những người dân mua chiếc xe máy chỉ 5 triệu đồng để làm ăn, đôi khi đó là cả gia tài, vì vậy nếu cấm xe máy thì nhiều dân nghèo sẽ rất khó khăn.

Đồng thuận việc triển khai phương tiện sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho hay, phương tiện giao thông sẽ xả ra khí thải và gây độc hại. Các động cơ chạy bằng năng lượng hoá thạch như xăng, dầu phát thải rất lớn. “Nếu phương tiện giao thông dùng điện thì sẽ đỡ đi”, đại biểu Huân nhấn mạnh.

Theo vị ĐBQH tỉnh Bình Dương, trong Luật Thủ đô có quy định những vùng hạn chế ô nhiễm, đặc biệt nơi có mật độ dân số cao nhưng phương tiện giao thông đơn lẻ. Có những khu vực rất hẹp mà không hạn chế phương tiện sẽ gây ô nhiễm, nhất là khí thải CO2 lớn. 

“Vấn đề là thực hiện thế nào trong bối cảnh hiện nay phương tiện giao thông công cộng còn đang ít”, đại biểu Nguyễn Quang Huân băn khoăn.

Về vấn đề này, theo TS. Đinh Thị Thanh Bình, thành phố phải có phương án về tổ chức giao thông, phân luồng hoặc tổ chức giao thông nội bộ, khu vực phát thải thấp để những xe không đủ tiêu chuẩn lưu hành trong khu vực đó phải dừng ở ngoài. Như vậy, phải có giao thông nội bộ, tổ chức vận tải nội bộ, vận tải công cộng, vận tải kết nối, bãi đỗ xe xung quanh, phân làn, phân luồng để giao thông không bị ảnh hưởng.

Cấm xe máy, cấm ô tô để giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm là rất tốt về mặt mục tiêu, tuy nhiên phải hết sức cân nhắc những tác động tới đời sống của người dân.

Để xây dựng vùng phát thải thấp, theo TS. Bình phải có phương án về tổ chức giao thông, phân luồng hoặc tổ chức giao thông nội bộ khu vực phát thải thấp để những xe không đủ tiêu chuẩn lưu hành trong khu vực đó phải dừng ở ngoài. Để triển khai được kế hoạch này, Hà Nội phải có phương tiện vận tải công cộng thay thế, đủ năng lực để người dân chuyển từ xe máy sang vận tải hành khách công cộng, hoặc chuyển đổi phương tiện từ xe có mức phát thải cao sang xe có phát thải thấp. 

“Khi những xe buýt đang vận hành cũ dần, chúng ta sẽ thay thế xe buýt diesel bằng xe chạy điện. Xe buýt sẽ là phương tiện đầu tiên để triển khai phần xanh hoá phương tiện vận tải của thành phố. Tiếp theo tôi nghĩ là taxi hoặc xe kinh doanh vận tải hành khách ở trong thành phố”, TS. Đinh Thị Thanh Bình nói.

Theo vị chuyên gia, bước đầu thành phố có thể thí điểm vùng phát thải thấp ở khu vực trung tâm như quận Hoàn Kiếm do phố đi bộ đã có điều kiện sẵn sàng về hạ tầng, có bãi đỗ, phân luồng giao thông ngày cuối tuần...

“Thí điểm vùng phát thải thấp ở phố đi bộ là phù hợp bởi hiện nay chưa thể áp dụng được diện rộng. Các điều kiện vận tải công cộng hay điều kiện về phương tiện thay thế phải có lộ trình chứ không thể thực hiện ngay lập tức. Khi làm phân vùng phân loại phát thải thấp đều có điều kiện để áp dụng, triển khai, không đạt điều kiện đó thì không triển khai được”, bà Bình nhấn mạnh.

Khánh An