Nhiều vấn đề sai phạm trong kênh Bancass của Prudential đã bị chỉ ra
Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential (Prudential) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 15 GP/KDBH cấp lại ngày 8/9/2011 của Bộ Tài chính. Năm 2021, công ty này đã triển khai bán bảo hiểm thông qua kênh Bancass với một số ngân hàng đã được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Kênh bán hàng này cũng đem về cho Prudential nguồn lợi nhuận khổng lồ, cụ thể trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt hơn 6.184 tỷ đồng, tương ứng 21,48% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass đạt hơn 3.700 tỷ đồng, tương ứng 54,89% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Tuy nhiên, bancass cũng là kênh khiến Prudential “đau đầu” khi có nhiều vấn đề đã được chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 812/KL- BTC ngày 29/6/2023 của Bộ Tài chính. Đơn cử như việc thanh tra phát hiện 39 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm qua thanh tra chọn mẫu, với nhiều vi phạm khác nhau.
Đáng nói, Báo Nhà báo và Công luận cũng ghi nhận được một số thông tin liên quan đến các hoạt động vi phạm trong kênh bán hàng Bancass của Prudential. Ngoài ra, còn một số trường hợp khách hàng thông tin về việc có dấu hiệu sai phạm tương tự của nhân viên tư vấn, quản lý hợp đồng bảo hiểm.
Đặc biệt, một số phản ánh từ đối tác ngân hàng của Prudential cho thấy, phía công ty bảo hiểm này có thể chủ động điều chỉnh thông tin của hợp đồng bảo hiểm. Trong khi đối tác ngân hàng không thể kiểm soát được, tiềm ẩn các rủi ro hệ thống và có dấu hiệu gian lận. Đến cuối năm 2023, đối tác này đã thông báo chấm dứt hợp tác với Prudential, đồng thời gửi yêu cầu chấm dứt hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với hơn 1.000 nhân sự là cán bộ của ngân hàng này.
Prudential gặp khủng hoảng truyền thông hậu “chia ly” với ngân hàng?
Để làm rõ các thông tin đã ghi nhận, Báo Nhà báo và Công luận đã có buổi làm việc cùng đại diện truyền thông của Prudential vào chiều 16/9 vừa qua. Đáng chú ý ngoài việc khẳng định đã thực hiện xử lý các sai phạm đã nêu trong Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, đại diện truyền thông của Prudential còn hé lộ về khủng hoảng truyền thông của công ty này. Đây là vấn đề xảy ra sau khi có sự “rạn nứt” với một trong những đối tác ngân hàng từng hợp tác bán bảo hiểm độc quyền trước đây.
Cụ thể, đại diện truyền thông Prudential cho biết, công ty này vừa nhận được đề nghị ngưng hợp đồng từ phía một ngân hàng, để đơn vị này ký hợp đồng với một doanh nghiệp khác. Khi hai bên ngưng hợp tác thì sẽ cùng xem lại các điều khoản trong hợp đồng. Nhưng có những điều khoản phía ngân hàng nói trên yêu cầu giải quyết dứt điểm trong 1-2 tháng, còn phía Prudential phải qua nhiều phòng ban.
Đại diện truyền thông Prudential cho biết, phía doanh nghiệp có nhận được thông điệp từ ngân hàng là nếu Prudential không giải quyết trong tháng 8, tháng 9 thì phía ngân hàng sẽ dùng truyền thông để tấn công doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại diện truyền thông Prudential cho biết, ngay sau đó cũng đã nhận được câu hỏi của nhiều bên truyền thông, phản ánh khiếu nại từ phía ngân hàng. Trong đó có cả những trường hợp 2 bên từng cùng đi giải quyết khiếu nại khách hàng.
Lợi nhuận của Prudential từ bảo hiểm giảm mạnh sau khi bị thanh tra
Không rõ những ảnh hưởng từ kênh Bancass sau những “rạn nứt” giữa Prudential và đối tác đến đâu. Nhưng báo cáo tài chính riêng bán niên 2024 của Prudential đã cho thấy, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty này giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 11.000 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí liên quan, Prudential lỗ gộp gần 1.700 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đáng nói, sự xuống dốc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm này được ghi nhận rõ rệt khi nhìn vào các báo cáo tài chính trước đó. Cụ thể trong năm 2022, lãi gộp của Prudential đạt con số kỷ lục với hơn 10.000 tỷ đồng. Nhưng bước sang năm sau, mức lãi gộp chỉ còn hơn 1.280 tỷ đồng và tiếp tục ghi nhận lỗ gộp trong nửa đầu năm 2024 như đã nói trên.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Prudential lại được “đỡ” bằng hoạt động tài chính. Khi trong 2 năm gần nhất, công ty này đều lãi ròng trên 3.000 tỷ đồng. Riêng năm 2023 vừa qua, Prudential ghi nhận lãi sau thuế 3.114 tỷ đồng, giảm 14% so với con số kỷ lục năm 2022.
Nhờ đó mà đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Prudential Việt Nam đạt 182.282 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là tài sản dài hạn với số dư cuối kỳ 132.227 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chiếm khoảng hơn 50.000 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6/2024, tiền và tương đương tiền của Prudential đạt 6.469 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Công ty đem 34.996 tỷ đồng rót vào các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và 122.259 tỷ đồng vào đầu tư tài chính dài hạn, tăng nhẹ khoảng 4% so với đầu năm.
Tại ngày 30/6, Prudential Việt Nam có tổng cộng 1.536 nhân viên, giảm 152 người so với đầu năm. Với chi phí lương gần 720 tỷ đồng, ước tính bình quân mỗi tháng, Prudential chi cho mỗi nhân viên hơn 78 triệu đồng (chưa tính đến tiền thưởng, hỗ trợ cho đại lý bảo hiểm).
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.