Bất động sản

Kiến nghị hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp

Admin

(CLO) Theo Hiệu trưởng NEU, ngân hàng thương mại cần ban hành tiêu chí cho vay phù hợp đối với các loại bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào dự án bất động sản nhà ở cao cấp.

Vốn đang “chảy” mạnh vào thị trường bất động sản

Hiện nay, để phát triển các dự án bất động sản, chủ đầu tư có nhiều sự lựa chọn để huy động vốn. Trong đó, một số dòng vốn truyền thống như: Vốn tín dụng, vốn từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài, vốn huy động từ nhà đầu tư,...

Trong giai đoạn 2022 - 2023, 2 trong số các kênh huy động vốn chủ lực của thị trường, đó là tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp có hiện tượng “tắc nghẽn”. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp “chảy” vào bất động sản đang có xu hướng tăng mạnh.

Vốn đang “chảy” mạnh vào thị trường bất động sản. (Ảnh: ST)

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ tín dụng tăng 7,15%. Ngân hàng Nhà nước dự đoán tăng trưởng trưởng tín dụng cả năm 2024 có thể đạt được mức 15%.

Tuy nhiên, cũng tính đến hết tháng 8/2024, chỉ riêng hoạt động kinh doanh bất động sản, dư nợ tín dụng đã đạt hơn 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 29,18% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hoạt động kinh doanh bất động sản cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. 

Đối với vốn từ trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu, tính đến ngày công bố thông tin 2/8, có 33 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 31,387 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 395 tỷ đồng trong tháng 7/2024.

Đến ngày công bố thông tin 30/8, có 43 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 37,995 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11,000 tỷ đồng trong tháng 8/2024.

Đến ngày 30/9, tiếp tục có 24 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 22,333 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 1,467 tỷ đồng trong tháng 9/2024. Các doanh nghiệp đã mua lại 11,749 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. 

Số liệu báo cáo cũng phân tích cho thấy trái phiếu bất động sản đã phát hành tăng mạnh trong quý, theo đó nhóm bất động sản tiếp tục đứng ở vị trí thứ hai chiếm khoảng 19%. Trong phần còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 79,858 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với khoảng 35,137 tỷ đồng, tương đương 44%. 

Nhận định về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng, trong quý III/2024 việc phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp bất động sản đã tăng mạnh trở lại, điều này cho thấy đây vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế.

Bên cạnh vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, dòng vốn FDI “chảy” vào thị trường bất động sản cũng đang có xu hướng tăng.

Bộ Xây dựng cho rằng, Việt Nam hiện đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ vào bối cảnh chính trị, sự phát triển kinh tế ổn định và chi phí nhân công cạnh tranh. 

Đồng thời, theo khảo sát thị trường của một số tổ chức nghiên cứu, Bộ Xây dựng đánh giá: Một số phân khúc bất động sản có sự tăng trưởng nổi bật gồm có căn hộ dịch vụ và bất động sản công nghiệp và có nguồn cầu ổn định nhờ dòng vốn FDI. 

“Nguyên nhân chính là do sự phát triển cơ sở hạ tầng cũng có vai trò to lớn trong việc tăng tính hấp dẫn của phân khúc căn hộ dịch vụ, dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam đã thu hút nhiều chuyên gia quốc tế đến làm việc, tạo nên một phân khúc khách hàng chủ chốt cho thị trường căn hộ dịch vụ”, Bộ Xây dựng nêu.

Hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án bất động sản nhà ở cao cấp

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho biết, thực tế cho thấy, dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam đến chủ yếu vào từ kênh tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp và huy động của khách hàng. Vì vậy, ông cho rằng Chính phủ cần triển khai một số giải pháp nhằm huy động và khơi thông vốn cho thị trường.

Theo Hiệu trưởng NEU, các ngân hàng thương mại cần ban hành các tiêu chí cho vay phù hợp đối với các loại bất động sản khác nhau. (Ảnh: PS)

Thứ nhất, Chính phủ cần khơi thông nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng. Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, các ngân hàng thương mại cần ban hành các tiêu chí cho vay phù hợp đối với các loại bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án  bất động sản nhà ở cao cấp.

Thay vào đó, các ngân hàng tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. 

Đồng thời, việc mở rộng tín dụng cần đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh trong lĩnh vực bất động sản.

Thứ hai, Hiệu trưởng NEU cho rằng, Việt Nam cần phát triển dòng vốn từ trái phiếu bất động sản.

Theo ông Chương, Bộ Tài chính cần rà soát tình trạng tài chính (bao gồm tài sản, nợ, dòng tiền) của các công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện đang gặp khó khăn nhằm hỗ trợ, theo dõi các biện pháp thực hiện các nghĩa vụ nợ trong thời gian tới. 

Với trái phiếu bất động sản đăng ký phát hành mới, các cơ quan quản lý giám sát cần tăng cường theo dõi, giám sát các trường hợp doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có liên quan phát hành TPDN khối lượng lớn.

Thứ ba, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo kênh huy động vốn dài hạn cho thị trường bất động sản. Theo đó, Việt Nam cần thúc đẩy và thu hút nguồn vốn đầu tư nước vào lĩnh vực bất động sản, tái cấu trúc nguồn vốn, đẩy mảnh M&A (mua bán - sáp nhập) dự án bất động sản với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Ngoài ra, ông Chương cũng cho rằng cần khuyến khích sự phát triển của các nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của các Quỹ đầu tư bất động sản để đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho thị trường, nhằm giảm dần  sự  phụ  thuộc  vào  nguồn  vốn  huy  động  từ  các tổ chức tín dụng và thị trường TPDN.

Định Trần