Tài chính - Chứng khoán

Quá nửa tài sản là tiền mặt, Pharmedic (PMC) sắp trả cổ tức tỷ lệ 109%

Admin

(CLO) Dù là công ty dược phẩm nhưng CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (Mã: PMC) giữ tới hơn một nửa tài sản dưới dạng tiền gửi. Công ty chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 109%.

Pharmedic (PMC) chi cổ tức 109% bằng tiền mặt

HĐQT CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (Mã: PMC) vừa thông báo về việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 109%. Tương đương mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 10.900 đồng cổ tức bằng tiền mặt. 

Hiện tại, trên thị trường đang lưu hành 9,3 triệu cổ phiếu PMC, ước tính Pharmedic sẽ phải chi khoảng 102 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Số tiền này sẽ được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi chỉ tiêu tài chính này được hoàn nhập Quỹ đầu tư phát triển.

Đáng chú ý, phần cổ tức tỷ lệ 109% này không bao gồm cổ tức tỷ lệ 24% được chia theo kế hoạch kinh doanh năm 2024 từng được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. Vào tháng 9/2024 vừa qua, PMC cũng đã tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho cổ đông hiện hữu.

Pharmedic (PMC) sắp trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 109% (Ảnh TL)

Bài liên quan
Dược phẩm Pharmedic (PMC) lợi nhuận đi ngang, vừa đủ hoàn thành kế hoạch năm
Dược liệu Pharmedic (PMC) kinh doanh 3 năm liền sụt giảm, tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 14%

Trong các năm qua, Pharmedic thường xuyên chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 24% mỗi năm. Tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây, đơn vị này có những kế hoạch chi trả cổ tức cao vượt hơn trước với tỷ lệ từ 30% - 126%.

Với kế hoạch chi trả cổ tức tỷ lệ 109% lần này, cổ đông lớn nhất của PMC là Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) đang nắm giữ 43,44% vốn điều lệ sẽ nhận về khoảng 54 tỷ đồng. Cổ đông lớn thứ 2 là CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nọi (mã: SHS) sẽ nhận về 18 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 14,6%.

Doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận đi ngang

Trong nửa đầu năm 2024, Dược liệu Pharmedic ghi nhận doanh thu 238,4 tỷ đồng, tăng 15,2%. Lợi nhuận gộp đạt 85,9 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm trước, tương đương biên lợi nhuận gộp đạt 36%.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm hơn một nửa, từ 10,4 tỷ xuống còn 4,8 tỷ đồng. Bù lại công ty không ghi nhận bất kỳ chi phí tài chính nào phát sinh trong kỳ.

Chi phí bán hàng không biến động nhiều so với năm trước, chiếm 21,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại gia tăng từ 17,6 tỷ len 21,1 tỷ đồng, tỷ lệ tăng gần 20%.

Sau khi trừ đi hết các chi phí và thuế, lãi sau thuế còn lại của Pharmedic là 38,9 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Quá nửa tài sản là tiền gửi liệu có hiệu quả?

Dược liệu Pharmedic tiền thân là Công ty Xuất Nhập Khẩu Trực dụng Y tế Pharimex, thành lập từ năm 1981. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh dược phẩm, dược liệu, mỹ phẩm, vật tư y tế và các sản phẩm thuộc ngành y tế khác.

Đáng lưu ý, dù hoạt động kinh doanh về dược phẩm nhưng quá nửa tài sản của Pharmedic đang nằm dưới dạng tiền mặt được gửi ngắn hạn tại ngân hàng.

Cụ thể, tổng tài sản của Pharmedic là 389,9 tỷ đồng thì trong đó công ty có 6,4 tỷ đồng tiền mặt cùng 205,5 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng.

Lượng tiền mặt gửi tại ngân hàng cao gấp nhiều lần so với các tài sản khác. Đơn cử như giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp chỉ chiếm 62,4 tỷ đồng, tài sản cố định cũng chỉ chiếm 37,6 tỷ đồng.

Việc giữ một lượng lớn tiền mặt sẽ giúp đảm bảo an toàn tài chính cho đơn vị nhưng ngược lại, dòng tiền nhàn rỗi quá nhiều cũng cho thấy công ty không có định hướng mở rộng, đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh.

Điều này cũng có thể thấy khi dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động đầu tư trong 6 tháng đầu năm dương 46,3 tỷ đồng. Đồng nghĩa công ty đang thu hồi các khoản đầu tư về thay vì bỏ tiền ra mở rộng hoạt động kinh doanh. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 51,8 tỷ cũng cho thấy xu hướng trả các khoản nợ cũ, thay vì sử dụng đòn bẩy tài chính để phát triển kinh doanh.

Thế Anh