Thời sự

Sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy

Admin

(CLO) Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 có mục tiêu tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy.

Khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Mới đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Quốc hội đề ra để góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7,0 - 7,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. 

Ảnh minh hoạ

Cùng với đó, tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy.

Hoàn thành sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao khả năng tự lực, tự cường, trách nhiệm quản trị địa phương.  

Tập trung rà soát khắc phục những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính công, tài sản công, tài nguyên, khoáng sản. Thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Có biện pháp khuyến khích Nhân dân tăng cường THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng...

Không để lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước

THTK, CLP năm 2025 được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP và pháp luật chuyên ngành có liên quan, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực.

Cụ thể, trong quản lý, sử dụng tài sản công: Thực hiện đồng bộ các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước.  

Hoàn thành công tác Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2024, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và tiếp tục cập nhật đầy đủ thông tin về tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.  

Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm

Trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước: Kiên quyết triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế; phấn đấu tăng cao hơn nữa tỉ lệ chi đầu tư phát triển; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; phân bổ và giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (loại trừ các khoản chi lương, có tính chất tiền lương, chi cho con người, các khoản phải bố trí đủ theo cam kết quốc tế, các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn đặc thù, quan trọng không thực hiện cắt giảm và phần tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết của Trung ương) để dành nguồn giảm bội chi ngân sách nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoặc bổ sung tăng chi đầu tư công.  

Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm

Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công: Phân bổ vốn đầu tư công năm 2025 bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thanh toán đủ số nợ đọng đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm.  

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác; sớm đưa vào khai thác, sử dụng các dự án đã hoàn thành nhiều năm, không để lãng phí; có giải pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm của các dự án PPP theo quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký kết.  

Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công, trong đó tập trung vào các khâu lập dự toán, phân bổ vốn, giao vốn, giải ngân vốn; cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công...

Quốc Trần