Thời sự

Sáu tháng nữa, Bộ Y tế phải đưa Cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức đi vào hoạt động

Admin

(CLO) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: “Sáng nay, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong 6 tháng nữa, Bộ Y tế phải hoàn thiện, bàn giao, đưa cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức đi vào hoạt động”.

Chiều 9/11 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 dưới sự chủ trì, điều hành của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Tại họp báo, phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ Y tế liên quan đến tiến độ xây dựng Dự án Cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức (nằm trên địa bàn tỉnh Hà Nam). Đây cũng là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo.

Thông tin đến báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, Dự án Cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức được khởi công triển khai xây dựng từ năm 2015. Quá trình thực hiện dự án, thi công, tổ chức thực hiện hợp đồng thì có nhiều vướng mắc và đầu năm 2021 dự án đã tạm dừng thi công. Từ đó đến nay thì chưa có cơ chế để xử lý những vướng mắc về dự án.

“Trước tình hình đó, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 140, thành lập Tổ Công tác của Chính phủ, trong đó Bộ Y tế làm chủ trì  cùng các bộ ngành khác liên quan như: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để thực hiện rà soát khó khăn, vướng mắc của dự án và đề xuất các phương án để giải quyết, tháo gỡ, xử lý cho dự án được tiếp tục xây dựng, phục vụ nhân dân”, ông Luận cho biết.

Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, thời gian qua, Tổ Công tác và Bộ Y tế cũng đã nhiều lần rà soát hồ sơ của dự án, đánh giá toàn diện hồ sơ pháp lý, kỹ thuật liên quan đến dự án và nghiên cứu, xác định các khó khăn vướng mắc chính. Cùng với đó là xác định các khó khăn, vướng mắc cơ bản. Trên cơ sở đó đề xuất các phương án để xử lý, giải quyết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận.

Cũng theo ông Lê Đức Luận, Bộ Y tế, Tổ Công tác có nhiều báo cáo gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và báo cáo tại các cuộc họp. Thường trực Chính phủ cũng đã tổ chức các cuộc họp, nghe báo cáo và có ý kiến chỉ đạo.

“Cho đến nay, chúng tôi đang hoàn thiện phương án để báo cáo tiếp, đề xuất với Chính phủ cùng cấp có thẩm quyền phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 2 dự án này để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện công trình”, ông Luận thông tin.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, thực hiện ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để có phương án khả thi sớm trình cấp có thẩm quyền cho cho phép có cơ chế để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, các bệnh viện sẽ tiếp tục xây dựng đi vào hoạt động.

“Cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành trên 90% khối lượng, còn cơ sở 2 bệnh viện Việt Đức cũng khoảng trên 60%. Hôm nay, bệnh viện Việt Đức nhà thầu cũng đã khởi động lại xây dựng dự án”, ông Luận cho biết.

Trao đổi thêm về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: “Sáng nay, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024, liên quan đến 2 bệnh viện này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong 6 tháng nữa, Bộ Y tế phải hoàn thiện, bàn giao, đưa cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức đi vào hoạt động”.

Sáu tháng nữa, Bộ Y tế phải đưa Cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức đi vào hoạt động.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm những dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Trong đó có Dự án cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức.

Theo đó, Công điện nêu rõ: Vẫn còn nhiều công trình, dự án chưa được kịp thời tháo gỡ khó khăn, để tồn đọng, dừng thi công kéo dài như: Dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, Dự án cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức, Dự án chống ngập úng khu vực TPHCM, Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem…

Để tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đối với các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, trụ sở, công sở…, Thủ tướng quán triệt tinh thần sử dụng hiệu quả nguồn lực, triển khai nhanh công trình, không để thất thoát, lãng phí, nhất là những dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở bộ, cơ quan, bệnh viện…

Thủ tướng giao các bộ trưởng, trưởng ngành rà soát, thống kê toàn bộ dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch, biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; sử dụng hiệu quả công trình trụ sở, công sở. Việc này phải được báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/11.

Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) có tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng mỗi bệnh viện, cùng khởi công xây dựng vào cuối năm 2014.

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.

Quốc Trần