Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa đề xuất cập nhật vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 (Quy hoạch 568) đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu đến Vành đai 3 và đường nối Xa lộ Hà Nội đến nút giao Gò Công trên đường Vành đai 3, mỗi tuyến rộng 12 làn xe.
Theo đề xuất của Sở GTVT, đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu đến Vành đai 3 dài khoảng 6 km, rộng 60 m, với 12 làn xe. Điểm đầu tuyến nằm tại đường Nguyễn Thị Định, điểm cuối tuyến giao với Vành đai 3 TP HCM. Dự án cũng sẽ xây dựng nút giao liên thông hoàn chỉnh tại Vành đai 3.
Sở GTVT TP HCM ước tính tổng mức đầu tư cho tuyến đường này hơn 8.700 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đề xuất ưu tiên đầu tư trước năm 2030.
Theo Sở GTVT, tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu đến Vành đai 3 sẽ tạo một trục giao thông chuyên dụng mới, kết nối trực tiếp hệ thống cảng Cát Lái - Phú Hữu với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 3.
Tuyến đường này không chỉ tăng cường năng lực giao thông ra vào cảng mà còn kết nối trực tiếp hệ thống giao thông liên vùng gồm Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành. Điều này sẽ giúp rút ngắn hành trình, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến đường cũng góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực, giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường như Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, nhánh phía Đông của Vành đai 2 và Xa lộ Hà Nội. Qua đó, tình trạng ùn tắc giao thông tại cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu sẽ được giải quyết triệt để.
Dự án này cũng góp phần giảm lưu lượng xe container đi vào nội đô, tạo điều kiện phát triển các khu dân cư và đô thị mới tại TP Thủ Đức.
Trong khi đó, tuyến đường nối Xa lộ Hà Nội đến nút giao Gò Công trên Vành đai 3 có chiều dài khoảng 6 km, rộng từ 107 - 120 m, với quy mô 12 làn xe. Hướng tuyến kéo dài từ nút giao Trạm 2 đến Vành đai 3. Dự án cũng sẽ bổ sung quy hoạch nút giao Gò Công thành một nút giao khác mức 4 tầng.
Tổng mức đầu tư cho dự án này được ước tính hơn 8.500 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.498 tỷ đồng. Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, ưu tiên triển khai trước năm 2030.
Theo Sở GTVT TP HCM, dự án này nhằm kết nối Vành đai 3 và Vành đai 2 TP HCM, nâng cao hiệu quả khai thác Vành đai 3 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại TP HCM.
Dự án không chỉ hỗ trợ kết nối giao thông, mà còn tạo động lực phát triển đô thị TP Thủ Đức, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tại các khu vực dọc theo tuyến đường.