Bất động sản Việt Nam: 'Ông lớn' hưởng lợi, doanh nghiệp nhỏ bị 'bỏ rơi'

Admin
(CLO) Thị trường bất động sản đã “khép”lại năm 2024 với các kết quả phục hồi tích cực. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường, xuyên suốt cả năm qua vẫn không đồng đều mà diễn ra theo hướng phân hóa rõ nét giữa các phân khúc, khu vực, loại hình sản phẩm và cả doanh nghiệp cung ứng. 

Thị trường bất động sản đang bị phân hóa

Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản (VARs), thị trường bất động sản Việt Nam đang hồi phục rõ nét. Thế nhưng, sự phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS) vẫn tồn tại nhiều điểm bất cập, khi có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các phân khúc, khu vực, loại hình sản phẩm và cả doanh nghiệp cung ứng. 

VARs phân tích, trong năm 2024, thị trường ghi nhận nhiều hơn các sản phẩm thấp tầng mở bán, tuy nhiên, căn hộ chung cư vẫn là loại hình giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng lên tới 70% trong tổng nguồn cung nhà ở mới trong năm 2024. Nguồn cung căn hộ mới chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang, có giá từ 50 triệu/m2 trở lên, chiếm 65% tổng nguồn cung.

bat dong san viet nam ong lon huong loi doanh nghiep nho bi bo roi hinh 1

Thị trường bất động sản Việt Nam phát triển chưa bền vững, đang bị phân hóa. (Ảnh: MC)

Xét theo khu vực, 60% nguồn cung nhà ở mới trong năm 2024 được đóng góp bởi các dự án thuộc khu vực miền Bắc. Trong khi, khu vực miền Nam và miền Trung chỉ chiếm tỷ trọng lần lượt là 29% và 11%. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án đại đô thị ở khu vực vùng ven và các tỉnh, thành kề bên 2 đô thị đặc biệt.

Số lượng nguồn cung mở bán mới tại khu vực miền Nam tăng lên đáng kể trong quý cuối năm 2024 với hàng loạt dự án quy mô mở bán, nhưng vẫn không “theo kịp” tốc độ tăng trưởng nguồn cung từ các tỉnh, thành miền Bắc. 

Xét theo doanh nghiệp cung ứng, 62% nguồn cung nhà ở mới được đóng góp bởi các chủ đầu tư lớn và tổ chức đầu tư nước ngoài. Trong đó, nổi bật là các hệ sinh thái của các tập đoàn lớn.

Nói rõ hơn về vấn đề này, VARs cho rằng, các Luật mới được Quốc hội thông qua đem tới nhiều cơ hội, lợi thế cho các doanh nghiệp lớn hơn. Ví dụ, theo quy định mới của Luật Đất đai 2024, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại chỉ áp dụng với các dự án quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng, điều này khiến nhiều dự án quy mô vừa và nhỏ không được triển khai, đặc biệt là những dự án nhắm đến phân khúc nhà ở vừa túi tiền ở các thành phố lớn.

Theo VARs, các doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ không đủ năng lực tài chính triển khai các dự án quy mô lớn, gặp khó khăn khi phát triển dự án nhà thương mại khác do khó tự thỏa thuận với người dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhóm doanh nghiệp này không đủ năng lực, kinh nghiệm để cạnh tranh đấu giá, đấu thầu từ quỹ đất do Nhà nước phát triển. 

Những “nút thắt” cần tháo gỡ 

VARS cho rằng, để thị trường phát triển ổn định, bền vững, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy nguồn cung mới vào thị trường, nhất là các sản phẩm nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở xã hội. 

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát các dự án BĐS gặp vướng mắc và phân loại theo nhóm nguyên nhân, cơ quan chịu trách nhiệm xử lý. Đồng thời, kiên quyết thu hồi và xử lý các dự án tồn đọng.

Thứ hai, xây dựng quy định về trình tự, thủ tục định giá chi tiết, cụ thể với từng tình huống nhất định, để các địa phương và công ty thẩm định dễ dàng thực hiện, rút ngắn thời gian xác định giá đất, làm căn cứ tính tiền sử dụng đất đối với các dự án BĐS đang triển khai, giúp các dự án dang dở “hồi sinh”, đưa nguồn cung mới vào thị trường. 

Thứ ba, khẩn trương phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án BĐS vừa và nhỏ. Xem xét, nghiên cứu phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án thuộc phân khúc bình dân để tăng nguồn cung nhà ở giá phù hợp. 

Thứ tư, nghiên cứu phương án cho phép các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng dự án BĐS có trách nhiệm hoàn thiện nghĩa vụ tài chính trước đó của bên chuyển nhượng, để thúc đẩy dự án triển khai, đưa nguồn cung vào thị trường.

Bởi theo quy định hiện hành, chủ đầu tư chỉ được chuyển nhượng dự án khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án đối với Nhà nước. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp không có đủ năng lực tài chính để hoàn thiện nghĩa vụ tài chính nên mới buộc phải chuyển nhượng dự án.

Rất nhiều nhà đầu tư, nhất là các chủ đầu tư nước ngoài có đủ năng lực và mong muốn “hồi sinh” các dự án BĐS dang dở, có nhu cầu phát triển các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền quy mô lớn, thì lại gặp khó khăn do vướng mắc về pháp lý và tiếp cận quỹ đất. 

Với phân khúc Nhà ở xã hội (NƠXH), song song với việc tiếp tục thúc đẩy thực thi các quy định pháp luật mới về NƠXH, tư duy về NƠXH cần được thay đổi theo hướng chủ động, tích cực hơn.

Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần quyết liệt trong công tác lập quy hoạch. Yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khẩn trương phê duyệt chủ trương đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội.

Các khu vực đã phê duyệt chủ trương đầu tư cần khẩn trương lựa chọn chủ đầu tư xây dựng. Tăng cường đầu tư công, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để đầu tư hạ tầng xung quanh khu vực dự kiến phát triển dự án NƠXH và phát triển quỹ đất sạch cho NƠXH. 

Đối với các doanh nghiệp, song song với việc tiếp tục chủ động tích cực phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước để tháo gỡ, vướng mắc cho các dự án, cần “bám” vào luật mới để có hướng đi phát triển đúng đắn. Các chủ đầu tư vừa và nhỏ có thể nghiên cứu phát triển các dự án “vừa sức” ở các thị trường ven, các thị trường mới, nơi có quỹ đất còn lớn, giá chưa quá cao. 

Định Trần