Hiện tại, dù có tiềm năng lớn nhưng điện gió ngoài khơi vẫn chưa có bất kỳ dự án nào được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong cuộc họp Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch điện VIII diễn ra vào ngày 19/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh rằng chi phí đầu tư xây dựng loại hình năng lượng này vẫn còn rất cao, dẫn đến đề xuất đẩy lùi thời gian triển khai. Theo phương án điều chỉnh, công suất điện gió ngoài khơi có thể đạt 17.000 MW vào năm 2035.
Thay vì tập trung vào điện gió ngoài khơi, Quy hoạch điện điều chỉnh sẽ ưu tiên phát triển điện gió trên bờ và gần bờ với tổng công suất dự kiến vào năm 2030 tăng lên khoảng 27.791-34.667 MW, cao hơn 15% so với kế hoạch hiện tại.

Bộ Công Thương đề xuất lùi kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi tới sau năm 2030 (Ảnh TL)
Theo đánh giá từ Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi lên đến 600 GW. Nếu khai thác tốt, nguồn năng lượng này có thể đóng góp khoảng 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2035. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn về pháp lý, vốn đầu tư lớn và các quy định liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn CIP (Đan Mạch) hay PNE (Đức) đã bày tỏ mong muốn tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc cấp phép khảo sát điện gió ngoài khơi tại Việt Nam từng bị Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu tạm dừng do vướng mắc pháp lý. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Bruno Jaspaert, một dự án điện gió ngoài khơi cần tối thiểu ba năm để triển khai. Như vậy, để kịp vận hành 6.000 MW vào năm 2030, các dự án cần khởi công ngay từ năm 2027, đồng nghĩa với việc toàn bộ thủ tục pháp lý phải hoàn tất trong năm nay.
Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm nay, tiến tới hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Để đảm bảo đủ điện phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, Bộ Công Thương tính toán tổng công suất nguồn điện quốc gia đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 183.291-236.363 MW, cao hơn 15-34% so với quy hoạch trước đây.
Về nhiệt điện than, công suất dự kiến tăng thêm 928 MW so với Quy hoạch điện VIII do cập nhật từ thực tế vận hành của các tổ máy nhiệt điện. Trong khi đó, nhiệt điện khí nội vẫn giữ nguyên công suất ở mức 10.861 MW.
Một số dự án điện khí LNG bị chậm tiến độ cũng sẽ được dời sang giai đoạn sau năm 2030, với tổng công suất đạt 8.824 MW, thấp hơn khoảng 13.576 MW so với kế hoạch cũ. Ngược lại, các nguồn năng lượng tái tạo và thủy điện sẽ được đẩy mạnh. Tổng công suất thủy điện quy mô vừa và lớn được điều chỉnh tăng lên 21.100 MW, tăng thêm 1.600 MW so với kế hoạch trước, trong khi thủy điện nhỏ được điều chỉnh lên 13.500 MW, tăng thêm 5.400 MW.
Nguồn điện mặt trời cũng được đẩy mạnh với tổng công suất dự kiến đạt 46.459-73.416 MW vào năm 2030, cao hơn 25.867-52.825 MW so với kế hoạch ban đầu. Điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà được đánh giá là có khả năng triển khai nhanh, phù hợp để đảm bảo nguồn cung điện trong giai đoạn 2026-2027.
Đối với điện hạt nhân, Bộ Công Thương đề xuất tổng công suất hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào khoảng 6.000-6.400 MW, có thể hoàn thành vào năm 2030 và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2030-2035. Đến năm 2050, kế hoạch bổ sung thêm khoảng 4.500-5.000 MW điện hạt nhân tại miền Bắc và khoảng 3.000 MW tại miền Trung, tập trung vào các nhà máy điện hạt nhân dạng mô-đun nhỏ (SMR). Các địa điểm tiềm năng để phát triển điện hạt nhân sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong các quy hoạch sau này.
Dự kiến trong giai đoạn 2026-2030, tổng vốn đầu tư cho ngành điện vào khoảng 136-172 tỷ USD. Trong đó, phần lớn nguồn vốn sẽ dành cho phát triển nguồn điện, dao động từ 118-148 tỷ USD, còn đầu tư lưới điện truyền tải vào khoảng 18-24 tỷ USD.
Để đáp ứng nhu cầu vốn lớn, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp huy động nguồn vốn đa dạng, bao gồm tín dụng ngân hàng, viện trợ và các công cụ tài chính trên thị trường chứng khoán. Chính sách thu hút đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước cũng sẽ được đẩy mạnh, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm đảm bảo phát triển bền vững ngành điện trong tương lai.