Chớp cơ hội vàng xuất khẩu gạo để căn cơ tính chuyện đường dài

Admin
(CLO) Thị trường gạo thế giới đang có biến động tăng, cần đẩy mạnh xuất khẩu để nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa và doanh nghiệp, đồng thời góp phần “chia lửa”, “giải cơn khát” về nhu cầu gạo của các quốc gia trên thế giới hiện nay cũng như trong thời gian tới.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra lúc này đối với ngành hàng lúa gạo của Việt Nam là làm gì để phát triển bền vững? Doanh nghiệp và người trồng lúa tính chuyện đường dài hay ngắn? Phải làm sao để xuất khẩu giá cao nhưng uy tín, vị thế cũng phải nâng cao. Đó mới là cơ hội lớn nhất của gạo Việt trong bối cảnh hiện nay.

Cơ hội vàng

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; nhóm chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%; nhóm thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; nhóm lâm sản đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11%; nhóm đầu vào sản xuất đạt 210 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu trong 7 tháng, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 6,52 tỷ USD, giảm 29,2%; châu Âu đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,3%; châu Phi đạt 573 triệu USD, tăng 14,1%; châu Đại Dương đạt 408 triệu USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

chop co hoi vang xuat khau gao de can co tinh chuyen duong dai hinh 1

Gạo xuất khẩu tăng giá, câu hỏi đặt ra lúc này đối với ngành hàng lúa gạo của Việt Nam là làm gì để phát triển bền vững?

Xét về từng ngành hàng trong 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, nếu giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%, thì nhóm nông sản đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2%, trong đó rau quả, gạo, sản phẩm chăn nuôi, hạt điều, cà phê vẫn điểm sáng.

Đáng lưu ý trong đó, xuất khẩu gạo 7 tháng năm 2023 của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, với giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Nga, UAE…, đây là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam với giá trị, chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao thu nhập.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Chỉ thị sẽ nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành và địa phương sẽ tập trung thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo.

Thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gắn với việc nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt

Giá xuất khẩu một số chủng loại gạo của Việt Nam đã thiết lập mốc kỷ lục bền vững cao nhất trong 11 năm qua. Giá gạo hàng hóa của người dân luôn cao hơn so với giá định hướng do Bộ Tài chính công bố, bảo đảm lợi ích cho người nông dân. Ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, từ sau khi Ấn Độ và một số nước ra thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam theo chiều hướng tăng. Tính đến tháng 7 vừa qua, cả nước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Giá gạo tăng cao trong thời gian qua là thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gắn với việc nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt. Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT thông tin, về công tác sản xuất hoàn toàn yên tâm có thể đảm bảo an ninh lương thực ở mức cao nhất. Bởi Bộ đã có dự trù tính toán để chủ động triển khai giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an ninh lương thực và cân đối xuất khẩu, kể cả trong tình huống dịch bệnh, thiên tai có xảy ra. Trong năm 2023, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu khoảng trên 15,1 triệu tấn tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo.

chop co hoi vang xuat khau gao de can co tinh chuyen duong dai hinh 2

Giá gạo tăng cao trong thời gian qua là thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gắn với việc nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt.

Tại Hội nghị “Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo” diễn ra mới đây tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định chắc chắn đảm bảo tốt cho an ninh lương thực quốc gia. Cụ thể, từ nay đến cuối năm cả nước còn 11,8 triệu tấn lúa, trong đó ĐBSCL có 9,2 triệu tấn lúa. Ngay thời điểm giá lúa tăng cao đầu quý II vừa qua, các cơ quan liên quan đã tìm giải pháp điều chỉnh mùa vụ ở vùng sản xuất, để giảm tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo sản lượng.

Thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT đã cử nhiều đoàn đến các địa phương để đánh giá kỹ việc sản xuất, cơ cấu lại cách phối hợp giữa doanh nghiệp và các HTX trong xây dựng vùng nguyên liệu. Hiện Bộ cũng đang đẩy nhanh kế hoạch tăng thêm 50.000 ha lúa thu đông (vụ 3), lên tổng số 700.000 ha. Nếu đạt chỉ tiêu này, Việt Nam sẽ có thêm hơn 300.000 tấn lúa phục vụ xuất khẩu.

“Cần điều chỉnh mùa vụ để đảm bảo được an ninh lương thực nhưng vẫn đảm bảo được xuất khẩu. Bộ cũng đã tính toán và biết rằng, cuối năm nay khả năng ĐBSCL sẽ bị El Nino, nên phải điều chỉnh gieo cấy sang vụ Thu Đông, vụ mùa để tránh cho những vùng có thể bị nhiễm mặn, bị El Nino trong dịp cuối năm nhưng đảm bảo đủ lúa. Với trách nhiệm của Bộ và người phụ trách ở ĐBSCL, tôi cam kết sản lượng lúa vẫn đảm bảo” - ông Nam chắc chắn.

Diễn biến thực tế cho thấy, tình hình thị trường thương mại gạo cầu diễn biến rất nhanh; động thái chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo đưa ra đã ảnh hưởng mạnh đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Bài toán đặt ra là Việt Nam phải luôn tỉnh táo, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đồng thời không để lỡ thời cơ cho hạt gạo Việt Nam. Ở góc độ này, với vai trò là một quốc gia có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm và sự sẻ chia trước những khó khăn.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trước những động thái vừa qua của các nước xuất khẩu gạo lớn, chúng ta cần rất thận trọng, tránh “lợi thế người đi đầu quay đầu thành người đi sau”. Mặt khác, tập trung củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa người sản xuất, vùng trồng với các DN kinh doanh; và nhất là giữa các DN với nhau; để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng và tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường.

Tín hiệu đáng mừng là Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu gạo với các khu vực mới như châu Phi, Nam Á, Tây Á, Nam Âu, Nam Mỹ… Điều này mở ra nhiều tín hiệu khả quan, thúc đẩy phát triển sản xuất, cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường, sản xuất gạo trong nước bảo đảm hiệu quả, bền vững, nhằm mang lại giá trị, thương hiệu hạt gạo Việt. Đồng thời thể hiện sự chia sẻ, trách nhiệm chung với quốc tế; mong muốn hướng đến sự phát triển bền vững.

Liên kết để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững

Thị trường gạo thế giới đang có biến động tăng, cần đẩy mạnh xuất khẩu để nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa và doanh nghiệp, đồng thời góp phần “chia lửa”, “giải cơn khát” về nhu cầu gạo của các quốc gia trên thế giới hiện nay cũng như trong thời gian tới. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra lúc này đối với ngành hàng lúa gạo của Việt Nam là làm gì để phát triển bền vững? Doanh nghiệp và người trồng lúa tính chuyện đường dài hay ngắn?

Nếu chọn đường ngắn thì chỉ có thể chớp cơ hội kiếm lời, hay nói cách khác là “hớt váng”, “làm hàng xáo”; điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy, rủi ro cao, thiếu tính bền vững.

chop co hoi vang xuat khau gao de can co tinh chuyen duong dai hinh 3

Còn nếu như làm lúa gạo thực sự và chọn đường dài thì đòi hỏi doanh nghiệp và người nông dân phải có sự liên kết chặt chẽ để xây dựng vùng nguyên liệu phát triển ổn định và bền vững. Dĩ nhiên chọn con đường dài khi làm lúa gạo đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược sản xuất, kinh doanh rõ ràng, đầu tư bài bản, chủ động và là người định hướng, dẫn dắt xây dựng mối liên kết.

Để tạo điều kiện thuận cho xuất khẩu gạo, đồng thời phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, theo ông Hoàng Trọng Thủy, vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng với tư cách là người điều phối, hỗ trợ. Riêng đối với ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi, cho vay vốn trung hạn và dài hạn, để các doanh nghiệp thu mua lúa và thanh toán sòng phẳng với người dân. Trên cơ sở đó, bảo đảm được nguồn nguyên liệu đầu vào. Thời điểm tháng 9, tháng 10 tới đây vẫn đang trong mùa mưa bão. Do đó, khâu thu mua, vận chuyển, xay xát, kho lưu trữ đóng vai trò quyết định trong việc xuất khẩu gạo.

GS. TS. Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp nhận định, biến đổi khí hậu sẽ vẫn còn tiếp tục, đặc biệt hiện tượng El Nino sẽ gây tác động tới sản xuất lúa gạo ở các quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như: Ấn Độ, Thái Lan. Việt Nam với lợi thế riêng có của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ hiện tượng thời tiết này. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn để cung cấp, xuất khẩu gạo với giá cao hơn, ổn định hơn. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp. Khi có hợp đồng dài hạn, doanh nghiệp sẽ chắc chắn được đầu ra, còn người nông dân cũng sẽ yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên, để làm được như vậy, GS. TS Võ Tòng Xuân cho rằng, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Việc này ngoài giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân, còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến - có như vậy lợi nhuận của doanh nghiệp mới nâng lên. Về phía nông dân, cần tập hợp lại cùng nhau trong các hợp tác xã để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định nguồn lúa cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến gạo. 

Đồng tình với quan điểm của GS. TS Võ Tòng Xuân, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho hay: Về lâu dài, các nông dân trồng lúa cần xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến gạo thông qua việc tham gia các hợp tác xã. Có như vậy mới thể chia sẻ được rủi ro và lợi ích. Nếu không xây dựng được vùng nguyên liệu thì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ chịu nhiều rủi ro, đồng thời dễ nảy sinh việc tranh mua, tranh bán gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp. Về phía người trồng lúa sẽ chịu nhiều rủi ro, khó bảo đảm hiệu quả kinh tế của việc trồng lúa khi đầu ra bấp bênh. Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gạo phải xây dựng, gắn với vùng nguyên liệu, đây chính là một lợi thế của doanh nghiệp có thể chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ thị trường nói chung và xuất khẩu nói riêng và cả lợi thế khi đàm phán, ký kết hợp đồng.

chop co hoi vang xuat khau gao de can co tinh chuyen duong dai hinh 4

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây sụt giảm sản lượng lúa gạo toàn cầu, thị trường lúa gạo đang nóng lên không ngừng là động lực mạnh mẽ để chúng ta kết nối toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo.

Thực tế trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp nước ta tập trung xây dựng, đề xuất một số chính sách cụ thể như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao; Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030... Qua đó nhằm hướng đến mục tiêu gia tăng về chất lượng và giá trị của hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế; và để từ đó sản xuất lúa an toàn hướng đến thị trường quốc tế.

Khánh An