Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Việc đăng ký, cập nhật thông tin của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải bảo đảm không phát sinh chi phí hoặc chi phí phát sinh thì không lấy từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ có phát sinh lớn về chi phí và bộ máy hành chính. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động, dự kiến đầy đủ chi phí, bộ máy phát sinh, cân nhắc để quy định trong dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi.
Về hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo Luật được Chính phủ trình bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật thông qua việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ cần có chính sách này để hỗ trợ người sử dụng lao động nhận lao động là người khuyết tật, thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo đối tượng yếu thế.
Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện đang quy định chung “người khuyết tật”, song, theo quy định của Luật Người khuyết tật, hiện có 3 mức độ khuyết tật (khuyết tật nhẹ, khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng), báo cáo chưa có số liệu thống kê chính xác về người lao động là người khuyết tật để có thể dự báo nguồn lực chính xác. Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định giảm tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động là người khuyết tật, do đó, cần bổ sung đánh giá tác động đến Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (hiện nay Quỹ bảo hiểm thất nghiệp gần như cân bằng giữa thu và chi trong năm).
Theo Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg thì “Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số”. Nhưng dự thảo Luật Chính phủ trình cũng không có đối tượng là người dân tộc thiểu số. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ: Kết quả thực hiện chính sách trên và cân nhắc về tính khả thi của việc quy định đối tượng này trong dự thảo Luật; Việc không quy định trong dự thảo Luật liệu có làm mất đi chính sách hiện có đối với người lao động là người dân tộc thiểu số hay không?
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, loại bỏ các quy định trùng lắp, tập trung quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không quy định trong dự thảo Luật các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành. Đồng thời, chuẩn bị kỹ lưỡng các dự thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, làm rõ các nội dung đã được đề cập để có quy định phù hợp, khả thi trong dự thảo Luật. Tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các bên có liên quan để bảo đảm sự đồng thuận cao. Tiếp tục rà soát kỹ hơn về tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ thống nhất với việc chỉnh lý quy định về đăng ký lao động theo hướng quy định rõ ràng, mạch lạc hơn về nguyên tắc đăng ký lao động, trình tự đăng ký, điều chỉnh thông tin, quyền, nghĩa vụ của người lao động trong đăng ký lao động.
Về hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp, hiện nay, dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật thông qua việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định này thể hiện chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đối tượng yếu thế là người khuyết tật. Chính phủ cần lưu ý làm rõ các vấn đề Thường trực Ủy ban Xã hội đã nêu.
Đối với việc thực hiện tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, khi quy định về chức năng, nhiệm vụ, tên gọi của các tổ chức, nên quy định chung để đảm bảo linh hoạt trong quá trình sắp xếp. Đồng thời, cần bổ sung nguyên tắc, giao Chính phủ quy định về đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp sắp xếp lại tổ chức, bộ máy.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Xã hội với tinh thần trách nhiệm cao, dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến các đại biểu, tập trung rà soát toàn bộ dự thảo Luật với tư duy xây dựng pháp luật mới, do đó, dự thảo Luật lần này đã ngắn gọn hơn đáng kể.
Đối với nội dung cụ thể, Bộ trưởng cho biết, về đăng ký lao động, đây là việc rất cần thiết, không thể không làm, nhất là đối với lao động phi chính thức. Dự thảo Luật chỉ nêu các nguyên tắc trong đăng ký lao động, quản lý cơ sở dữ liệu lao động, còn các nội dung cụ thể, chi tiết hơn thì Chính phủ sẽ làm rõ trong các văn bản dưới luật.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh biểu dương Ủy ban Xã hội và các cơ quan đã nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu Quốc hội, nỗ lực cụ thể hóa 4 nhóm chính sách với nhiều điểm mới về quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo và cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát kỹ thuật văn bản, gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ.