Kỳ họp thứ 8 có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến nay
Ngày 21/10/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn. Cụ thể, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân cả nước rất quan tâm.
Vì vậy, trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật, Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc;
Chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết, đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thực thi luật đạt hiệu quả cao nhất.
Phát biểu tại Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm về thể chế hóa nghị quyết của Trung ương lần thứ 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27 ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trong đó, đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Các quy định của pháp luật mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề có tính nguyên tắc, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định, để đảm bảo linh hoạt trong điều hành.
“Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và yêu cầu đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để mất thời cơ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Quốc hội thống nhất 100% bầu ông Lương Cường làm Chủ tịch nước
Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng tại Kỳ họp thứ 8 là Quốc hội đã tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Theo đó, với 440/440 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Nghị quyết bầu chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Lương Cường - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã được Quốc hội thông qua. Sau khi kết quả được công bố, tân Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ và có bài phát biểu nhậm chức.
Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết sẽ nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch nước theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó.
Cùng với đó, tiếp tục giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch vững mạnh, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân;
Tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, luôn luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; xây dựng củng cố “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc;
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước;
Đồng thời, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
Qua 3 ngày làm việc, Quốc hội cũng đã nghe các báo: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2025-2027; Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các báo cáo thẩm tra…
Cùng với đó, Quốc hội cũng thảo luận sôi nổi tại Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Theo ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội chia sẻ đều bày tỏ kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm để các luật được thông qua sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đất nước đang bước vào thời kỳ có nhiều cơ hội, thách thức, đặc biệt là các chương trình, dự án đầu tư lớn đang cần triển khai, nhưng các vướng mắc về thể chế đang phần nào cản trở những chương trình, dự án này. Do vậy, tôi cho rằng, rất cần hoàn thiện thể chế, chính sách tạo sự đồng bộ; đồng thời bổ sung thể chế đặc thù, vượt trội.
“Hơn nữa, năm 2025 là năm kết thúc nhiệm kỳ 2021-2026, là năm bản lề cho các chương trình, kế hoạch của cả nhiệm kỳ. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cần chỉ ra các mục tiêu và hành động của cả năm để về đích thành công; tạo ra tiền đề cho cả giai đoạn tới”, ông Cường nhấn mạnh.
Quốc Trần