1. Từ năm 2019, liên quan đến việc nghiên cứu, lập quy hoạch dự án tuyến đường sắt mới khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải đã lên tiếng trong đó khẳng định tuyến đường sắt này đã được xác định đầu tư trong chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt. Theo đó, tại Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng phát triển tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài dự kiến khoảng gần 390km, đường đôi khổ 1.435mm điện khí hoá.
Theo quy hoạch do liên danh tư vấn Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TRICC) và Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc lập, tuyến đường sắt được quy hoạch đi qua 8 tỉnh, thành phố từ Lào Cai đến Hải Phòng dài khoảng gần 390km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6km, xây dựng theo hướng đông, đi qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra vào chiều 13/2, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, mục tiêu của Dự án là nhằm xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng bảo đảm kết nối hiệu quả mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát phương án xây dựng, hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối Việt Nam với Trung Quốc.
2. Trên thực tế, những điều mà dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mang lại còn mang lại nhiều nội hàm hơn thế. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần thiết xây dựng phương thức vận tải mới an toàn hơn, chi phí rẻ hơn, diện tích chiếm dụng đất ít hơn và thân thiện môi trường và “Đường sắt khổ 1.435mm, điện khí hóa là phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung thì cho rằng, việc xây dựng tuyến đường sắt điện khí hoá Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả vận tải hành khách nhờ nâng cao tốc độ và chất lượng dịch vụ. Với vận tải hàng hóa, dự án sẽ tạo ra tuyến đường chiến lược nối các khu vực có nhu cầu vận chuyển lớn, giảm bớt sức ép lên các tuyến đường bộ hiện tại. Qua đó, giúp vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, nhất là trong bối cảnh giao thông đường bộ đang ngày càng quá tải. Dự án này cũng là cơ hội để phát triển thêm hạ tầng phụ trợ, dịch vụ vận tải, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ…
Đặc biệt, điểm được không thể không nói đến của Dự án đường sắt này là gỡ điểm nghẽn bấy lâu trong vận tải. Lợi thế của vận tải đường sắt là vận tải khối lượng lớn, đi xa và độ an toàn cao. Trong vận chuyển hàng liên vận quốc tế, phương thức vận tải container tiên tiến với thời gian chỉ từ 18 - 20 ngày sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn so với đi bằng đường biển (40 - 45 ngày).
Tuy nhiên, một lãnh đạo ngành đường sắt từng thừa nhận, hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt Việt Nam hiện tại đang xuống cấp nghiêm trọng; năng lực vận tải thông qua thấp do các hạn chế về nhà ga, bãi hàng, tải trọng cầu đường; không kết nối được với các loại hình phương tiện vận tải khác, đặc biệt là các cảng biển. Bên cạnh đó, cần có các chính sách đầu tư và đẩy mạnh việc kết nối đồng bộ hệ thống kỹ thuật đường sắt quốc tế.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, vướng mắc của đường sắt hiện nay là hạ tầng kho bãi, bốc xếp chủ yếu là quy mô nhỏ, manh mún, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Các khu ga hàng, kho bãi không đúng tiêu chuẩn, thiếu đồng bộ là những điểm nghẽn về hạ tầng, kìm hãm việc mở rộng thị trường. Do đó, việc nâng cấp hạ tầng sẽ là yếu tố quyết định để đẩy mạnh hoạt động vận chuyển đường sắt.
Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ là một bước đi tiêu biểu. Như lời ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho rằng, tuyến đường sắt này thành hình hài sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều về mặt thời gian và chi phí xuất nhập khẩu.

3. Với 455/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,19%), sáng 19/2, Quốc hội đã thông qua Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Sáng 19/2, tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phạm Thị Hồng Yến cho biết, các chính sách đưa ra trong Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đều dựa trên cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng để cho phép xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính chỉ rõ những điểm đặc biệt, đặc thù có trong Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Cụ thể, chính sách mới hơn so với Nghị quyết 172 là quy định về trường hợp việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án có nội dung khác với quy hoạch có liên quan thì dự án được phê duyệt mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, Nghị quyết cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án.
Theo bà Yến, Luật Đấu thầu có quy định cho phép 1 số các trường hợp được thực hiện hình thức chỉ định thầu. Với dự án này, Quốc hội đồng ý để đảm bảo đúng tiến độ dự án. Cho phép cơ quan tổ chức thực hiện được quyền sử dụng chỉ định thầu nếu cần thiết. “Sau khi dự án được phê duyệt, các quy hoạch có liên quan phải được kịp thời rà soát, điều chỉnh, cập nhật và công bố. Điều này giúp quá trình thực hiện dự án được nhanh chóng. Đây là chính sách ưu việt dành cho dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”, bà Yến cho biết.
Những chính sách ưu việt nhất đã được dành cho Dự án, là thêm một minh chứng cho thấy việc khơi thông điểm nghẽn thể chế để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới đã, đang là mệnh lệnh được thực thi một cách nhanh chóng, quyết liệt… Thêm những Dự án như Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào thực thi là thêm một kỳ vọng lớn về những phát triển đột phá trong thời gian tới trên đất nước hình chữ S…
Nguyễn Hà