KCN sinh thái đang được Doanh nghiệp và nhà đầu tư rất quan tâm

Admin
(CLO) Trò chuyện với Nhà báo và Công luận trước ngày Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp (VIPFA) chuẩn bị tổ chức Đại hội, Luật sư Bùi Văn Thành - Ủy viên BCH lâm thời VIPFA bày tỏ những trăn trở với việc phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái.

Phát triển KCN theo mô hình sinh thái đang trở thành một nhu cầu cấp thiết trong quản lý Nhà nước và đối với các chủ đầu tư KCN, để đạt hiệu quả cao hơn trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI chất lượng cao. Tuy nhiên cách tiếp cận khái niệm KCN sinh thái còn nhiều sự khác nhau. Vậy, ông có thể cho biết, KCN sinh thái là gì?

- Việc phát triển các KCN là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. Việt Nam đã hình thành một hệ thống các KCN có mặt trên 61 tỉnh thành trong cả nước với 414 KCN. Các KCN đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới.

kcn sinh thai dang duoc doanh nghiep va nha dau tu rat quan tam hinh 1

Luật sư Bùi Văn Thành - Ủy viên BCH lâm thời VIPFA . Ảnh: HL.

Nhưng với xu thế phát triển mới, các mô hình tổ chức kinh tế theo lãnh thổ như KCN- khu kinh tế (KKT) đang có sự thay đổi về mục tiêu phát triển, và Việt Nam chúng ta cũng đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Theo đó việc xây dựng KCN xanh và chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN xanh đã trở thành nhu cầu cấp thiết để thích ứng với bối cảnh mới, yêu cầu mới.

Ngày 28/05/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT. Nghị định 35 đã chỉ ra xu hướng mới trong phát triển KCN, KKT. Theo Nghị định 35, KCN sinh thái là KCN trong đó có các doanh nghiệp trong KCN đó tham gia vào hoạt động sản xuất SẠCH HƠN và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.

Cộng sinh công nghiệp là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc trong các KCN khác nhau để tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Theo phản ánh từ một số địa phương và doanh nghiệp mà chúng tôi tiếp nhận được thì thấy rõ tinh thần ủng hộ KCN sinh thái và kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững nhưng thực tế làm không dễ. Đầu tư vào KCN cũng còn rất nhiều khó khăn vướng mắc do quy định pháp lý phức tạp, chồng chéo?

- Thực tế cho thấy đầu tư KCN đang gặp thách thức, khó khăn, vướng mắc ở cả 3 cấp độ: Quy định của luật liên quan thiếu tính đồng bộ, mâu thuẫn - Ban hành, giải thích, áp dụng quy định văn bản dưới luật - Giải thích, áp dụng, thực thi pháp luật của công chức liên quan.

Cho đến nay nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể.

Theo Nghị định 35 KCN sinh thái là KCN mà các doanh nghiệp trong đó tham gia vào hoạt động sản xuất SẠCH HƠN và sử dụng hiệu quả tài nguyên, và có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Môi trường, hiện nay chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì doanh nghiệp rồi mới được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCN.

Vậy khi doanh nghiệp vào KCN sinh thái, chuyển đổi thành KCN sinh thái doanh nghiệp phải “sạch hơn”, sạch hơn là gì, phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?

- Hay xây dựng KCN thì phải có trong quy hoạch. Nhưng trong luật quy hoạch phần về quy hoạch vùng, điểm tên rất nhiều từ hệ thống đô thị, nông thôn; khu kinh tế; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao, và cả bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… nhưng lại không đề cập đến KCN sinh thái, không quy định về khu công nghệ cao. Như vậy khi doanh nghiệp xin chấp nhận chủ trương đầu tư thành lập khu công nghệ cao, KCN sinh thái thì sao? Có phải sửa đổi, bổ sung quy hoạch vùng đã được phê duyệt không? Đây vẫn là một câu hỏi.

Để góp phần hoàn thiện chính sách, thúc đẩy chuyển đổi và xây dựng KCN sinh thái như định hướng của Chính phủ, ông có gợi mở gì?

Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước.

Vì vậy cần có các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan. Đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách.

Cho đến nay, thể chế, chính sách về khu công nghiệp hiện chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và cũng chưa thực sự đầy đủ. Cần sớm có hướng dẫn thực hiện Nghị định 35 một cách rõ ràng cụ thể hơn. Các quy định pháp luật liên quan này cũng phải thay đổi để cập nhật thêm các ưu đãi cho từng loại hình KCN chuyên sâu.

Việc triển khai các mô hình sinh thái đều rất tốn kém, vì thế cần chính sách ưu đãi đặc biệt hơn trong việc triển khai mô hình này, nếu không thì doanh nghiệp sẽ không tham gia. Nhưng hiện nay chỉ có các chính sách ưu đãi chung, áp dụng cho tất cả các loại hình KCN, chưa có chính sách ưu đãi đặc biệt cho việc phát triển loại hình KCN sinh thái, như chính sách ưu đãi cụ thể về tiếp cận đất đai, quy hoạch, vốn và khoa học công nghệ…

Tiếp đó Nghị định 35 nên được luật hóa, tức là cần có Luật về KCN. Những quy định về KCN sinh thái cần được quy định rõ ràng chi tiết trong luật như thế mới thúc đẩy được doanh nghiệp đầu tư vào KCN, đồng thời thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái. Đây là vấn đề pháp lý lớn. Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước, và tham gia đóng góp xây dựng chính sách, từ thực tiễn của các doanh nghiệp, VIPFA sẽ tổng hợp để có kiến nghị với cơ quan Nhà nước góp phần sớm hoàn thiện pháp luật, chính sách, sớm đẩy mạnh việc chuyển đổi KCN thành KCN sinh thái cũng như các KCN mới xây dựng theo mô hình sinh thái.

Về phía các doanh nghiệp và các nhà đầu tư phải quan tâm nhiều hơn đến KCN sinh thái. KCN sinh thái là xu hướng tất yếu. Nhà nước có luật, có chính sách, có ưu đãi và doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm thực hiện và thúc đẩy.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hà Nguyễn (thực hiện)