“Cả hệ thống sản xuất tại Johan Sverdrup đã hoạt động bình thường trở lại từ hôm qua và hiện đang duy trì sản lượng ổn định ở mức tối đa”, người phát ngôn của Equinor, đơn vị vận hành mỏ dầu khẳng định.
Mỏ Johan Sverdrup có khả năng bơm 755.000 thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 1/3 sản lượng dầu của Na Uy. Tuy nhiên, vào ngày thứ Hai, sản xuất tại mỏ dầu lớn này trên Biển Bắc đã phải dừng lại sau một sự cố mất điện từ bờ. Thông tin này đã khiến giá dầu tăng thêm 2 USD/thùng, trước khi giảm trở lại vào sáng sớm thứ ba.
Đến trưa thứ Ba, theo giờ địa phương, Johan Sverdrup đã khôi phục được hai phần ba công suất sản xuất của mình.
Equinor cho biết sự cố mất điện đã làm gián đoạn nguồn cung cấp điện cho các giàn khoan ngoài khơi.
Mỏ Johan Sverdrup bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2019 và dự kiến đạt đỉnh sản lượng vào năm nay hoặc năm sau. Mức sản lượng tối đa được kỳ vọng đạt 755.000 thùng mỗi ngày, cao hơn nhiều so với dự đoán ban đầu là 660.000 thùng mỗi ngày.
Mức sản lượng đỉnh này đã lần đầu tiên đạt được vào tháng 9 vừa qua khi Johan Sverdrup sản xuất 756.000 thùng dầu mỗi ngày.
Theo Equinor, nhờ mức độ điện khí hóa cao, Johan Sverdrup là một trong những mỏ dầu có lượng khí thải CO2 thấp nhất thế giới.
Cụ thể, một thùng dầu được sản xuất tại Johan Sverdrup chỉ phát thải 0,67 kg CO2, trong khi mức trung bình toàn cầu là 15 kg CO2 mỗi thùng. Điều này phần lớn nhờ vào việc sử dụng nguồn điện từ đất liền, tập đoàn Na Uy giải thích.
Việc Johan Sverdrup trở lại hoạt động đã hạn chế đà tăng giá dầu vào thứ Ba.
Tuy nhiên, giá dầu lại tăng vào sáng thứ Tư do leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng các tín hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đang gia tăng.
Hải Hà (Theo Oil Price)