Trong Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ 1/8 đã quy định cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam đều là “cá nhân” sử dụng đất.
Do đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất như cá nhân trong nước. Quy định này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam ngoài được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở, còn cho phép nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự.
“Họ còn được nhận, tặng, cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự”, ông Nhẫn nói.
Liên quan tới vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong Luật Đất đai 2024, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài chính thức là đối tượng sử dụng đất và được hưởng tương đối đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.
“Quy định này chuyển tải được tinh thần của Nghị quyết 18. Góp phần thu hút kiều hối, đầu tư của kiều bào cho phát triển kinh doanh bất động sản và nền kinh tế”, ông Lực nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Lực cho biết: Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng có một số quy định mới liên quan tới người gốc Việt.
Cụ thể, tại Luật Nhà ở 2023 đã mở rộng đối tượng sở hữu, mua bán và thế chấp nhà ở của các tổ chức và cá nhân nước ngoài.
Sự khác biệt chủ yếu nằm ở quyền sở hữu nhà gắn với quyền sử dụng đất và được quy định tại Luật Đất đai 2024: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là đối tượng sử dụng đất và được hưởng tương đối đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam (riêng quyền thế chấp thì chỉ giới hạn là thế chấp tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam).
Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 mở rộng quyền kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tuy nhiên phải là công dân Việt Nam.
Đó là cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được kinh doanh bất động sản theo các hình thức tương đồng với công dân Việt Nam ở trong nước.
“Điều này giúp đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, phát triển bất động sản tại Việt Nam một cách hợp lý, trong tầm kiểm soát, làm rõ điều kiện được “mua” nhà ở. Tuy nhiên, không dễ dàng kiểm soát “chính chủ”, ông Lực nói.