Ngành du lịch thăng hoa trong tháng 1
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ khoảng 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2024.
Nhiều điểm đến đã thu hút lượng lớn khách tham quan, vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán mang đến nguồn thu lớn cho địa phương.
“Top” đầu thuộc về TP HCM, với khoảng 2,1 triệu lượt khách nội địa trong tháng 1/2025, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7.700 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Thứ hai là Hà Nội đón khoảng 1 triệu lượt khách trong tháng 1, tăng 6%. Doanh thu từ du lịch ước đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là Quảng Ninh ước đón 969.000 lượt khách, tăng 21%; doanh thu ước đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 71%. Kiên Giang đón 471.200 lượt khách, tăng 19,9%; doanh thu ước đạt khoảng 1.900 tỷ đồng, tăng 49,5%.
Đà Nẵng ước đón 469.000 lượt khách, tăng 16,7%; doanh thu ước đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 19,4%. Lào Cai ước đón 331.400 lượt khách, tăng 25%; doanh thu ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 33%. Khánh Hòa ước đón 825.200 lượt khách, tăng 30,6%; doanh thu ước đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 41,7%…
Không chỉ khách nội địa, trong tháng 1, ngành du lịch Việt Nam còn thăng hoa nhờ khách quốc tế.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng cao trong tháng đầu năm 2025.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2025 đạt gần 2,1 triệu lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam dẫn đầu với gần 575.000 lượt, tiếp đến là Hàn Quốc, Campuchia, Mỹ, Nhật Bản,...
Số lượt khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao đã đóng góp tích cực vào doanh thu ngành dịch vụ, du lịch. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2025 ước đạt 67.300 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành tháng 1/2025 ước đạt 5.100 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
GSO cho rằng, năm 2025, Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế. Đây là mục tiêu cao, thể hiện quyết tâm lớn đưa du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
“Với sức bật từ kết quả quan trọng đạt được trong năm 2024, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đột phá, khai thác tốt tiềm năng của các thị trường nguồn, đẩy mạnh thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, khẳng định thương hiệu, vị trí của Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực”, GSO nói.
Những hình ảnh “xấu xí” của ngành du lịch, đừng để con sâu làm rầu nồi canh
Có thể nói, trong tháng đầu tiên của năm mới - năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đã có những thành công bước đầu, từ đó góp phần vào mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khác trong năm 2025.
Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, ngay trong tháng 1, ngành du lịch Việt Nam vẫn ghi nhận những hình ảnh xấu xí, như chặt chém du khách, hay mất trật tự, lộn xộn ở những điểm du lịch nổi tiếng.
Đơn cử, đầu tháng 2/2025, một du khách địa phương đã tới viếng chùa Kim Tiên, thuộc thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang để du xuân. Tại đây, du khách này đã bị một nhóm khoảng 50 người gồm cả nam lẫn nữ, nhiều độ tuổi, đeo khẩu trang, áp sát rồi xô đẩy khiến ông này ngã xuống đất.
Sau đó ông bị cướp giật sợi dây chuyền trị giá khoảng 3,6 triệu đồng cùng hơn 12 triệu đồng tiền mặt. Ngoài ra, vụ việc khiến 5 người trong gia đình ông Cường bị thương, trong đó ông Cường bị trầy xước nặng nhất.
Liên quan tới vụ việc này, trên báo chí, Công an thị xã Tịnh Biên vừa ra quyết định khởi tố vụ án về tội Gây rối trật tự công cộng.
Hay như mới đây, một nhóm du khách Trung Quốc đã “tố” một nhà hàng tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa chặt chém, tính giá “trên trời” cho khách du lịch.
Theo hóa đơn du khách tiết lộ, giá cà tím nướng mỡ hành tại nhà hàng này có giá hơn 1,8 triệu đồng, 2 trứng vịt lộn giá 700.000 đồng, 2 rau muống xào tỏi 1 triệu đồng... Tổng hóa đơn hơn 20 triệu đồng, trong đó có hơn 4 triệu đồng phụ thu.
Ngay sau khi có thông tin chặt chém du khách, cơ quan chức năng của thành phố Nha Trang và cả tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc. Kết quả cho thấy, nhà hàng này vi phạm nhiều quy định, một trong số đó có vi phạm: Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và bán giá cao hơn giá niêm yết hàng hóa.
Từ kết quả kiểm tra, cơ quan chức năng đã yêu cầu nhà hàng này tạm ngừng kinh doanh dịch vụ ăn uống cho đến khi hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng liên quan tới vụ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuấn khẳng định: Việc nhà hàng này bị khách tố "chặt chém" chỉ là một số ít, không đại diện cho số đông.
Mặc dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, lãnh đạo một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng, các vụ việc chặt chém du khách, lừa đảo ở các địa điểm du lịch nổi tiếng không phải chỉ xử lý là xong, hậu quả để lại là rất khó dự báo.
Ông Đào Tuấn, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành cho biết: Hiện nay, du khách quốc tế đi du lịch, cho dù tới Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào cũng tìm hiểu trên mạng xã hội, các trang thông tin về du lịch rất kỹ. Do đó, bất kỳ “scandal” nào cũng có thể tạo ra hình ảnh xấu trong mắt của họ, nhất là du khách Trung Quốc.
“Nhờ vị trí địa lý thuận tiện, Trung Quốc luôn nằm trong top các quốc gia có số lượng du khách hàng đầu tới Việt Nam. Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng du khách có thu nhập cao tới Việt Nam ngày càng tăng, và họ thường lựa chọn các địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang hoặc Phú Quốc”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trên các trang mạng xã hội Trung Quốc thường xuyên có các bài viết đánh giá về chất lượng du lịch, các lưu ý khi đi du lịch nước vào. Thông thường, những bài viết này được bình luận, chia sẻ và lan tỏa rất nhanh.
“Với đặc tính như vậy, nếu có những đánh giá tốt thì không sau, nhưng nếu có bất kỳ đánh giá không tốt nào có thể dẫn tới những tác động tiêu cực tới hình ảnh ngành du lịch Việt Nam, bởi tiếng xấu thì đồn xa. Đơn cử như vụ việc ở Nha Trang, một số khách du lịch của chúng tôi dù không liên quan và đã đặt lịch từ vài tháng trước cũng biết và họ cũng lo ngại bị chặt chém như thế”, ông Tuấn nói.
Trong bối cảnh đó, ông Tuấn mong muốn cơ quan chức năng phải có những giải pháp mạnh tay để ngăn ngừa tình trạng này trong thời gian tới, từ đó mới giúp ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.