'Ông lớn' xây dựng Coteccons (CTD) và khối nợ xấu lịch sử 2.200 tỷ đồng

Admin
(CLO) Hoạt động kinh doanh tăng trưởng nhưng các khoản phải thu từ khách hàng cũng gia tăng. ‘Ông lớn’ ngành xây dựng Coteccons (Mã: CTD) đang phải đối mặt với lượng nợ xấu cao chưa từng có.

Kết quả kinh doanh hồi phục, Coteccons chia cổ tức tiền mặt sau 2 năm im ắng

Theo BCTC hợp nhất niên độ 2023-2024 của Coteccons, đơn vị ghi nhận doanh thu thuần 21.045 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Giá vốn chiếm lượng lớn khiến cho lợi nhuận gộp chỉ còn 712 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp chỉ 3,4%.

Hoạt động kinh doanh chính trong mảng xây dựng với biên lãi gộp nhỏ khiến công ty phải tìm kiếm thêm nguồn tiền từ các hoạt động tài chính bao gồm tiền gửi ngân hàng, cho vay, đầu tư trái phiếu, chứng khoán... 

ong lon xay dung coteccons ctd va khoi no xau lich su 2200 ty dong hinh 1

Khoản phải thu của Coteccons (CTD) đã tăng lên hơn 12.000 tỷ đồng. Nợ xấu cũng tăng vọt lên hơn 2.200 tỷ đồng (Ảnh TL)

Bài liên quan
Chỉ vừa đủ hoàn thành kế hoạch năm, Coteccons (CTD) muốn trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%
Coteccons (CTD) lợi nhuận 'lèo tèo', dòng tiền kinh doanh âm tới 1266,7 tỷ đồng
Kinh doanh thua lỗ, Coteccons (CTD) đi vay hơn nghìn tỷ để bù đắp dòng tiền kinh doanh âm nặng
Chủ tịch Coteccons (CTD): "Trở lại đường đua, thiếu CEO không thành vấn đề, chảy máu chất xám không nghiêm trọng"

Doanh thu tài chính đạt gần 280 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính cũng chiếm 105 tỷ đồng. Trong đó gần 92 tỷ đồng là chi phí lãi vay.

Chi phí quản lý doanh nghiệp trong niên độ 2023-2024 có chiều hướng tăng cao, chiếm 581 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng tương đương 21% so với năm trước. Kết quả, sau khi trừ đi các chi phí hoạt động và thuế, Coteccons mang về gần 310 tỷ đồng lợi nhuận.

Với kết quả kinh doanh trên, Coteccons đã lên kế hoạch chia cổ tức trở lại sau 2 năm kinh doanh ảm đạm, không chia cổ tức tiền mặt. Tỷ lệ chia cổ tức sẽ là 10%, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức.

Lần chia cổ tức tiền mặt gần nhất cho cổ đông của Coteccons là vào tháng 9/2021, cổ tức trả cho năm 2020 với tỷ lệ 10%. Từ đó đến nay, cổ đông Coteccons mới chỉ được nhận 1 lần cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 3:1 vào tháng 9/2023.

Khoản phải thu chiếm hơn 12.000 tỷ, nỗi lo nợ xấu tăng lên hơn 2.200 tỷ

Cũng giống như các đơn vị lớn trong ngành xây dựng khác, công nợ vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối của Coteccons.

Theo ghi nhận trên BCTC hợp nhất niên độ 2023-2024 của Coteccons, tổng tài sản đơn vị có 22.869 tỷ đồng thì lượng tài sản phải thu chiếm tới 12.023,6 tỷ đồng. Lượng phải thu này tương đương tới 52% tài sản của đơn vị với phần lớn là tiền phải thu từ phía khách hàng.

Trong hoạt động thu hồi nợ từ các đối tác, nợ xấu ghi nhận trên BCTC cũng có xu hướng tăng cao chưa từng có. giá trị nợ xấu đã tăng lên 2.243 tỷ đồng. Dự phòng cho khoản nợ xấu này ghi nhận trên BCTC là 1.355 tỷ đồng.

Nợ xấu cùng công nợ khách hàng trong khoản phải thu của Coteccons đều phình to. Đi cùng đó là hoạt động tăng cường vay nợ trong niên độ tài chính vừa qua.

Cụ thể, Coteccons có tới 14.278 tỷ đồng là nợ phải trả, chiếm 69% tổng nguồn vốn doanh nghiệp. Trong đó phần nợ vay ngắn hạn chiếm 1.519 tỷ đồng, tăng thêm 822 tỷ đồng so với đầu kỳ. Quy mô nợ vay dài hạn ngược lại giảm từ 498 tỷ đồng xuống còn 21 tỷ đồng.

Không chỉ tăng cường vay nợ, quy mô dòng tiền chạy qua các khoản nợ vay của Coteccons cũng có chiều hướng gia tăng. Công ty vay thêm tới 3.978 tỷ đồng trong niên độ vừa qua trong khi cùng kỳ chỉ vay 1.607 tỷ đồng. Tiền trả nợ gốc vay trong kỳ theo đó cũng tăng từ 1.728 tỷ đồng lên 3.921 tỷ đồng.

Công nợ từ các khoản phải thu đã khiến Coteccons dù ghi nhận lãi lớn 309 tỷ đồng nhưng dòng tiền mặt từ hoạt động kinh doanh trong kỳ chỉ mang về vỏn vẹn 24 tỷ đồng. 

Vừa qua, tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Trần Ngọc Hải - Phó Tổng Giám đốc Coteccons cho biết đơn vị đã phải có một số biện pháp nhất định để kiểm soát nợ xấu cũng như thu hồi công nợ từ phía các đối tác.

Bích Diễm