Sau bão Yagi, mục tiêu tăng trưởng kinh tế có bị ảnh hưởng?
Trong Nghị quyết 103 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2024 đạt ở mức 6 - 6,5%. Theo đánh giá của giới chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng này được dự báo rất thách thức, nhưng hoàn toàn khả thi.
Thực tế đã cho thấy, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn đầu năm 2024 đã tăng trưởng ấn tượng, vượt xa so với kỳ vọng.
Theo báo cáo của Thống kê (GSO), trong quý II/2024, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng 6,93%. Điều này đã giúp GDP Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng 6,42%. Mức tăng này chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.
Với những thành quả đó, trong phiên họp thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra vào đầu tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã xác định phấn đấu tăng mức tăng trưởng GDP của năm 2024 lên 7%, tức là cao hơn 0,5% - 1% mục tiêu được Quốc hội đề ra hồi đầu năm.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng với các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng từ bão Yagi, đây sẽ là cơ hội để Chính phủ đẩy mạnh tiêu dùng và đầu tư công. Tác động từ bão Yagi vì thế có thể sẽ không quá lớn như tưởng tượng. |
Tuy nhiên, sự xuất hiện của cơn bão số 3 (bão Yagi) vào đầu tháng 9/2024 đã ảnh hưởng không nhỏ tới các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, bão Yagi đã gây ra ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa. Các địa phương này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước. Trong đó, 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là Hải Phòng và Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng thiệt hại kinh tế do bão Yagi và hoàn lưu bão ước tính sơ bộ lên tới hơn 81.000 tỷ đồng, tương đương gần 3,3 tỷ USD. Không chỉ gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, bão Yagi để lại nhiều hậu quả nặng nề về con người, tài sản và các công trình hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm của Việt Nam.
Dù vậy, với đà tăng trưởng trong giai đoạn đầu năm nay, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra kỳ tích trong năm 2024.
Trong phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV, diễn ra vào sáng 30/9, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều yếu tố rủi ro, khó lường, nhưng trên cơ sở kết quả của 8 tháng, dự kiến cả năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội đạt và vượt qua nhiều chỉ tiêu chủ yếu. Đây chính là những cơ sở để GDP năm 2024 vượt mức Quốc hội đã đề ra.
Phân tích rõ hơn về mục tiêu này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng khá như khu vực dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng, cả năm ước tăng 7,0%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ước tăng dưới 4,5%; thu Ngân sách Nhà nước ước cả năm tăng 10,1% so với dự toán.
Đặc biệt, thu hút FDI là điểm sáng nhất khi vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đạt gần 19,3 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện ước đạt 13,55 tỷ USD, tăng 3,4%, cao nhất từ năm 2021 đến nay. Trong lĩnh vực hạ tầng, được đầu tư mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực.
Dù vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, để đạt được các mục tiêu đã đặt ra, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%.
Nói thêm về tăng trưởng GDP, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, năm nay, chắc chắn sẽ vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Nếu không có ảnh hưởng của bão Yagi, mức tăng sẽ còn cao hơn.
Kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững sau thiên tai
Với những tác động to lớn từ cơn bão Yagi, các tổ chức nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước đã có những đánh giá khác nhau về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Theo nhận định của Ngân hàng Singapore United Overseas Bank (UOB), bão Yagi đã gây ra thiệt hại kinh tế lớn đối với Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác.
UOB cho rằng, ảnh hưởng từ cơn bão Yagi sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III/2024 và đầu quý IV/2024 ở các vùng phía Bắc của đất nước. Tác động sẽ thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở bị hư hỏng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ. Tuy nhiên, ngoài những gián đoạn tạm thời này, UOB đánh giá các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc.
Theo các chuyên gia UOB, mặc dù Việt Nam đã tăng trưởng vượt trội ở mức 6,93% trong quý II/2024, tốc độ nhanh nhất trong gần 2 năm nhưng đà tăng trưởng mạnh mẽ này khó có thể tiếp tục trong nửa cuối năm 2024.
Sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023, UOB đang điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng cho Việt Nam.
Đối với quý III/2024, UOB dự báo tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức 5,7%, giảm so với mức 6,0% được UOB dự báo trước đó. Và đối với quý IV/2024 là 5,2%, giảm so với mức 5,4% dự báo trước đó. Do đó, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 được hạ xuống còn 5,9%, giảm khoảng 0,1% điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 6%. OUB cho rằng: Đây vẫn là sự phục hồi tích cực so với mức tăng trưởng 5% vào năm 2023.
Trong khi đó, các tổ chức nghiên cứu kinh tế khác như HSBC, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại đưa ra dự báo lạc quan đối với kinh tế Việt Nam sau bão Yagi, thậm chí nâng mức dự báo tăng trưởng trước đó.
Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, các thống kê về thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra có thể chưa phải cuối cùng.
Tuy nhiên, ông Hùng tin tưởng kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững do ảnh hưởng từ thiên tai, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ đến từ sản xuất công nghiệp và thương mại trong giai đoạn đầu năm 2024. Do đó, chuyên gia của ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 tại 6% và năm 2025 là 6,2%.
Tương tự, theo HSBC, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn nữa bởi sự phục hồi vững vàng trong giai đoạn đầu năm nay. Do đó, HSBC vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%.
Thậm chí, theo kỳ vọng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP Việt Nam trong năm 2024 có thể tăng 6,1%, cao hơn mức dự báo của tổ chức này hồi tháng 6.
Trong khi đó, theo nhận định của S&P Global, bão Yagi đã gây ra tác động nghiêm trọng với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam khi mưa lớn và lũ lụt khiến các doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa, gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, với sự gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra dự kiến chỉ là tạm thời, các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới. |
Định Trần
Link nội dung: https://danhgiaplus.vn/sau-bao-yagi-kinh-te-viet-nam-duoc-ky-vong-se-tao-ra-ky-tich-trong-nam-2024-a23315.html