Huyện Thanh Trì xây dựng nông thôn mới với 'mục tiêu kép'

(CLO) Huyện Thanh Trì chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao gắn với Đề án phát triển huyện thành quận, các xã thành phường theo tiêu chuẩn cao, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép.

Ngày 30/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1057/QĐ-TTg, công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023.

Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, việc được công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thanh Trì trong hành trình xây dựng NTM.

huyen thanh tri xay dung nong thon moi voi muc tieu kep hinh 1

Lãnh đạo TP Hà Nội trao Bằng của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, sáng ngày 5/10/2024. Ảnh: GD

Ông Phong cho biết, xác định xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, không có điểm dừng, để hoàn thành mục tiêu đạt huyện NTM nâng cao, thời gian qua, huyện Thanh Trì đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân.

Huyện ủy Thanh Trì đã xây dựng, ban hành nghị quyết, chương trình, trong đó xác định xây dựng MTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt các nhiệm kỳ của các cấp ủy Đảng...

Nhờ đó, bộ mặt nông thôn Thanh Trì ngày càng khởi sắc, thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên; môi trường, cảnh quan đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; đô thị được tăng cường đầu tư theo hướng văn minh hiện đại; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên; các thiết chế văn hóa tại cơ sở được tăng cường, sử dụng có hiệu quả; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho sự phát triển.

Năm 2023, huyện Thanh Trì đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 20/20 chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội; cơ cấu kinh tế huyện phát triển đúng định hướng.

Tổng giá trị sản xuất tăng 14%; tổng thu ngân sách nhà nước tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đến thời điểm này, Thanh Trì là huyện thứ hai trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 15/15 xã (vượt chỉ tiêu kế hoạch Thành phố giao giai đoạn 2021-2025). Ngoài ra, huyện Thanh Trì được Thành phố công nhận 8 điểm đến du lịch và 1 làng nghề Hà Nội.

“Đạt được kết quả to lớn đó là nhờ địa phương có nhiều cách làm sáng tạo, bài bản, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện”, ông Phong cho biết.

huyen thanh tri xay dung nong thon moi voi muc tieu kep hinh 2

Tuổi trẻ huyện Thanh Trì tham gia vệ sinh môi trường hưởng ứng "Ngày cao điểm chiến sĩ tình nguyện xây dựng đô thị “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn”, tháng 6/2024. Ảnh: TT

Theo ông Phong, qua 15 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Thanh Trì đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá.

Đó là, trong quá trình triển khai nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao gắn với Đề án phát triển huyện thành quận, các xã thành phường, huyện Thanh Trì đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ với phương châm, quan điểm: Đối với các tiêu chí trùng nhau giữa 2 bộ tiêu chí về NTM nâng cao và tiêu chuẩn phường thì thực hiện theo tiêu chuẩn cao hơn, nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép.

Việc xây dựng huyện NTM nâng cao theo định hướng trở thành quận, huyện Thanh Trì đặc biệt chú trọng tới các vấn đề: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường; đảm bảo hài hòa giữa quá trình đô thị hóa với việc giữ gìn không gian, bản sắc văn hóa truyền thống; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ và năng lực làm chủ của người dân, để nông dân và người dân nông thôn thực sự là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, ông Phong nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu.

Ngoài ra, trong công tác chỉ đạo điều hành xây dựng NTM phải lựa chọn, xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành; sự nhịp nhàng trong công tác điều phối chung sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Bên cạnh đó, huyện Thanh Trì đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thường xuyên, liên tục để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM.

“Tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, thông tin truyền thông sẽ tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của nhân dân. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện phải đảm bảo tính công khai, dân chủ ở tất cả các khâu công việc để người dân được biết, bàn bạc, thống nhất, tự giác chủ động tham gia xây dựng NTM", Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì nhấn mạnh.

huyen thanh tri xay dung nong thon moi voi muc tieu kep hinh 3

Di sản múa Bồng Triều Khúc được bảo tồn, gìn giữ. Ảnh: Đình Trung

Ông Nguyễn Xuân Phong cũng cho rằng, cần chú trọng công tác xây dựng bộ máy để tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo các cấp và coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng về kiến thức xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng NTM ở xã, ở thôn. Đồng thời, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư phải phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.

“Huyện Thanh Trì  được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao là tiền đề để địa phương hướng đến mục tiêu cao hơn là xây dựng huyện thành quận. Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh”, ông Phong chia sẻ.

* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

T.Toàn

Link nội dung: https://danhgiaplus.vn/huyen-thanh-tri-xay-dung-nong-thon-moi-voi-muc-tieu-kep-a23467.html