Báo chí lần đầu tiên có một chiến lược là chiến lược về chuyển đổi số
Theo đó, ngày 12/11, tham gia phiên chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, sau gần 5 năm thực hiện quy hoạch báo chí, hiện hoạt động báo chí vẫn còn nhiều bất cập về nguồn nhân lực và tài chính, ứng dụng công nghệ số… Để báo chí phát triển bền vững, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu vấn đề: Tại sao báo chí lại kém về công nghệ số? Theo Bộ trưởng, hàng trăm năm nay báo chí vốn dĩ vũ khí chính là trang giấy, cây bút, đến thời công nghệ số thì công nghệ số lại trở thành vũ khí và chưa quen với công nghệ. Các nền tảng mạng xã hội lấn át được một phần, nhất là giai đoạn đầu cũng là vấn đề công nghệ.
"Vừa qua, khi đánh giá mức độ trưởng thành về chuyển đổi số thì mới thấy một việc là các đài phát thanh và các đài truyền hình chuyển đổi số tốt hơn rất nhiều so với cơ quan báo chí. Lý do vì sao, vì hơn 10 năm gần đây, chúng ta có chương trình về số hóa truyền hình, số hóa đài phát thanh và vì thế năng lực tăng lên. Cho nên sắp tới, sẽ phải đẩy mạnh công cuộc số hóa, chuyển đổi số các cơ quan báo chí", ông Hùng nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số - báo chí lần đầu tiên có một chiến lược là chiến lược về chuyển đổi số, Bộ TT&TT ban hành hẳn một chương trình để thực hiện chiến lược này. Trong đó, có một việc rất quan trọng là đưa ra các tiêu chí đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành của các cơ quan báo chí để tự các cơ quan báo chí có thể nhìn vào đấy để biết mình đang đứng ở đâu.
"Xây dựng một nền tảng để cho các cơ quan báo chí trả lời các câu hỏi, sau khi trả lời câu hỏi xong thì họ sẽ đánh giá là mình đang đứng ở đâu; thành lập hẳn một trung tâm trực thuộc Cục Báo chí hỗ trợ chuyển đổi số cơ quan báo chí, bất kỳ vấn đề gì có thể hỏi; ban hành cẩm nang về chuyển đổi số báo chí; tổ chức tập huấn tổng biên tập và chỉ đạo một số doanh nghiệp công nghệ số trong ngành chuyển đổi số một số cơ quan báo chí để làm mẫu và sau đó phổ cập ra các cơ quan báo chí còn lại", ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, sắp tới, mỗi một quý Cục Báo chí của Bộ TT&TT sẽ có một tài liệu cung cấp các thông tin về các kinh nghiệm hay, cách làm hay trong chuyển đổi số các cơ quan báo chí, tổ chức các đoàn đến tham quan một số cơ quan báo chí đã chuyển đổi số tốt.
Sẽ có nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số các cơ quan báo chí nhỏ
Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Nam Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ, có một thực tế hiện nay là nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn từ kinh phí chuyển đổi số báo chí đến đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên thiếu hụt và một điều đáng lo ngại là tình trạng chảy máu chất xám diễn ra ở nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo giỏi, nhiều biên dịch viên giỏi, kỹ thuật viên giỏi đều có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực khác.
Để nâng cao chất lượng hoạt động báo chí thì cần có 2 nguồn lực, thứ nhất là nguồn lực tài chính, thứ hai là nguồn lực con người, trong khi cả 2 nguồn lực này thì đang giảm sút. Trong khi phải thực hiện một nhiệm vụ như Bộ trưởng vừa nói để thực hiện tốt công cuộc chuyển đổi số báo chí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, 2 nguồn lực này cần được tính toán, cần được cải thiện ra sao để thực hiện thành công?
Trao đổi về ý kiến của đại biểu Phạm Nam Tiến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ông sẽ nói về con người trước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đầu tiên cơ quan báo chí làm công nghệ thay vì tự làm thì thuê, nhất là những cơ quan báo chí nhỏ, còn những cơ quan báo chí lớn có nguồn lực thì họ có thể tự làm, nhưng cơ bản các cơ quan báo chí nên thuê thì chi phí nhỏ hơn và không mất người để vận hành các hệ thống đó. "Bộ TT&TT đang cho phát triển và cố gắng đầu năm tới sẽ xong về nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số các cơ quan báo chí nhỏ, đặc biệt là các tạp chí giai đoạn đầu được miễn phí để hỗ trợ cho các các cơ quan báo chí", ông Hùng cho biết.
Về vấn đề tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay nguồn lực của Nhà nước sẽ tập trung vào 6 cơ quan báo chí chủ lực, còn đối với những cơ quan báo chí khác thì các cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm đầu tư nguồn lực để đảm bảo cho cơ quan báo chí của mình có đủ năng lực cạnh tranh.
Có khoảng 50 định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến ngành thông tin, truyền thông
Phát biểu tranh luận tại Phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, trong phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có nhận định, nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã đảm bảo tự chủ một phần chi thường xuyên, tuy nhiên kinh tế báo chí vẫn là thách thức với sự phát triển. Do đó, Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đối với cơ quan báo chí hiện nay đã và đang triển khai như thế nào, có gặp khó khăn gì không? Và có bao nhiêu cơ quan báo chí thực hiện được nội dung này?
Trả lời ý kiến của đại biểu Trần Thị Nhị Hà về việc các định mức kinh tế - kỹ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Danh mục các dịch vụ công dùng NSNN đã ban hành. Hiện nay, các định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến ngành thông tin, truyền thông, khoảng 50 định mức, năm nay Bộ TT&TT đạt được 80% là khoảng gần 40 định mức sẽ hoàn thành, còn khoảng 20% nữa sẽ cố gắng từ nay đến cuối năm hoặc quý I sang năm và lâu nhất là quý II sẽ ban hành đủ 100%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng một số quy định trước đây, kể cả những nội dung sửa thì khó quá, giao cho các cơ quan chủ quản dựa trên hướng dẫn của Bộ để ban hành định mức, nhưng nhiều cơ quan chủ quản báo chí không đủ năng lực ban hành. Cho nên, ban hành chưa được nhiều, con số bằng bao nhiêu tôi sẽ cung cấp số liệu cho đại biểu Trần Thị Nhị Hà sau, nhưng con số này cũng ít.
Về các định mức kinh tế - kỹ thuật mới cũng như hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật mới, hiện nay Bộ TT&TT làm theo cách rất thông thoáng để việc thẩm định, phê duyệt đơn giản đi rất nhiều. Bộ cũng làm việc với Bộ Tài chính để đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Link nội dung: https://danhgiaplus.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-phai-day-manh-cong-cuoc-so-hoa-chuyen-doi-so-cac-co-quan-bao-chi-a25003.html