Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch

(CLO) Qua hơn 7 năm thực hiện Chương trình, Việt Nam đã đạt những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực với công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân.

Theo báo cáo tóm tắt Tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 cho biết, qua hơn 7 năm thực hiện Chương trình, Việt Nam đã đạt những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực với công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân. Phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được thay đổi qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí, thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gồm trên 10.000 UBND cấp xã, hơn 700 UBND cấp huyện) và trong thời gian tới sẽ triển khai tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

viet nam dat nhieu ket qua tich cuc trong bao dam quyen dang ky ho tich hinh 1

Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân. (Ảnh: Minh họa).

Kết quả cụ thể thực hiện Chương trình đã mang đến những số liệu phản ánh sinh động bức tranh hộ tịch ở Việt Nam. Theo đó, về đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh duy trì ở mức cao từ năm 2019 đến nay - đều trên 98,5%, vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động đề ra (đến năm 2020 có 97%, năm 2024 có 98,5% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh).

Tỷ lệ đăng ký khai tử đạt được mục tiêu Chương trình hành động đề ra. Tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn cuối chu kỳ cao (72,25%) phản ánh nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, cũng như thể hiện những nỗ lực của hệ thống các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương. Khi đăng ký khai tử, cơ quan có thẩm quyền đều ghi nhận nguyên nhân tử vong, nhưng do tỷ lệ các trường hợp chết ngoài cơ sở y tế cao (khoảng 86%), nên nguyên nhân tử vong chỉ được ghi theo thông tin do người đi đăng ký khai tử cung cấp, chưa bảo đảm chuẩn quốc tế.

Tỷ lệ đăng ký nuôi con nuôi, từ 2017 - 2023 có 19.800 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước, trung bình 2.800 trường hợp/năm, góp phần bảo đảm cho trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình thay thế ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc thu thập số liệu về tình hình nuôi con nuôi thực tế ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, như tỷ lệ con nuôi thực tế được đăng ký không cao.

Về đăng ký kết hôn, từ 2017 - 2020, cả nước có 2.778.532 cặp đăng ký kết hôn, trong đó kết hôn lần đầu là 2.479.308 cặp (89,23%). Giai đoạn 2021 - 2023, số liệu tương ứng là 1.890.488/1.618.020 (85,58%). Tỷ lệ kết hôn lần đầu có xu hướng giảm, trong khi tuổi trung bình kết hôn lần đầu của nam và nữ có xu hướng tăng. Số vụ ly hôn, hủy kết hôn trái pháp luật ở trong nước được ghi vào sổ hộ tịch tăng dần từ 2017 - 2023; cả nước có 187.690 vụ ly hôn được tòa án giải quyết.

Việc công bố, phổ biến thông tin thống kê hộ tịch hàng năm được công khai tại Trang công tác thống kê ngành Tư pháp. Tuy nhiên, công tác thống kê hộ tịch còn gặp một số khó khăn như: chưa thu thập được số liệu về số trẻ em sinh ra trong năm được đăng ký khai sinh, số người chết trong năm được đăng ký khai tử.

Số liệu về số trẻ em được sinh ra trong năm, số người chết trong năm do Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê thu thập, nhưng các cơ quan này chưa tiến hành công bố số liệu tuyệt đối định kỳ nên chưa tính được tỷ lệ đăng ký kịp thời

Thành Nhân

Link nội dung: https://danhgiaplus.vn/viet-nam-dat-nhieu-ket-qua-tich-cuc-trong-bao-dam-quyen-dang-ky-ho-tich-a26163.html