Nhân dịp Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc phỏng vấn Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng xung quanh chủ đề “Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại trong Kỷ nguyên mới của Đất nước”.
+ Thưa Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng! Trong suốt chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong các giai đoạn phát triển của đất nước, được nhân dân tin yêu. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã cùng toàn Đảng, toàn dân viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Đại tướng có thể chia sẻ thêm về những dấu ấn đầy tự hào đó?
Đại tướng Nguyễn Tân Cương: Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che của nhân dân, sự phối hợp của các cơ quan, đoàn thể, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cùng với toàn dân lập nên những chiến công, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, với nhiều dấu ấn nổi bật:
Thứ nhất, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, thực hiện Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, gồm 34 chiến sĩ cách mạng, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Chỉ mấy ngày sau khi thành lập, Đội đã mưu trí, táo bạo làm nên chiến thắng Phai Khắt (25/12/1944), Nà Ngần (26/12/1944), mở đầu cho truyền thống đánh thắng trận đầu, đã ra quân là đánh thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ hai, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” và tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, Quân đội ta đã nêu cao tình đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, đoàn kết quốc tế, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, tổ chức nhiều chiến dịch, với quy mô ngày càng lớn, cùng toàn dân đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, làm nên thắng lợi trong các chiến dịch: Việt Bắc - Thu Đông (1947), Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953)..., cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra thời kỳ mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tạo tiền đề thuận lợi để nhân dân ta đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ ba, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, Quân đội nhân dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp làm phá sản các chiến lược của Mỹ, ngụy: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, với chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972; lần lượt giành thắng lợi trên các mặt trận, từ Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, các tỉnh Duyên hải miền Trung, tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ tư, ngay sau ngày đất nước thống nhất, Quân đội ta đã cùng với toàn dân chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước; đồng thời, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, Quân đội ta tiếp tục cùng với nhân dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thế lực nước ngoài ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, cùng với quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước Chùa Tháp, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.
Thứ năm, bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Quân đội nhân dân Việt Nam tập trung xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh đối ngoại quốc phòng, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất; phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn cả nước. Đồng thời, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, đồng hành cùng với toàn dân trong phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội..., thực sự là “điểm tựa của bản làng, của ngư dân”; góp phần củng cố niềm tin, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
+ Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Qua 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, có thể thấy, nền quốc phòng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường. Xin Đại tướng cho biết về những định hướng của Quân đội trong việc tiếp tục phát huy mối quan hệ giữa thế trận quốc phòng toàn dân với “thế trận lòng dân” để tạo nền tảng vững chắc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?
Đại tướng Nguyễn Tân Cương: Quốc phòng toàn dân là nền quốc phòng mang tính chất “vì dân, do dân, của dân”, phát triển theo phương hướng: Toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại, kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, do nhân dân làm chủ, tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược và bạo loạn lật đổ của các thế lực đế quốc, phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, những định hướng của Quân đội trong việc tiếp tục phát huy mối quan hệ giữa thế trận quốc phòng toàn dân với “thế trận lòng dân” là:
Thứ nhất, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thứ hai, tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; chú trọng giáo dục thống nhất nâng cao nhận thức về đối tác, đối tượng, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Thứ ba, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp để động viên khích lệ, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và cả hệ thống chính trị xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, nâng cao tính bền vững và khả năng huy động sức người, sức của toàn dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng trong các tình huống. Xây dựng phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ các cấp vững chắc, tạo thế bố trí phòng thủ liên hoàn trên từng địa bàn và phạm vi cả nước. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội và đối ngoại theo đúng quan điểm của Đảng: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nên tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”, tạo nền tảng vững chắc để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
+ Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã rất chủ động, quyết liệt, gương mẫu trong việc điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức lực lượng để tinh gọn, phát huy hiệu quả. Việc xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh tiến lên hiện đại là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn, tu duy chiến lược của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là đòi hỏi khách quan, đảm bảo cho Quân đội đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã triển khai những giải pháp trọng tâm nào để Quân đội “tinh, gọn, mạnh” và đạt được những kết quả ra sao; cũng như kinh nghiệm, bài học rút ra để tiếp tục vận dụng trong thời gian tới, bảo đảm Quân đội gọn về tổ chức và nâng cao chất lượng về mọi mặt, thưa Đại tướng?
Đại tướng Nguyễn Tân Cương: Điều chỉnh tổ chức lực lượng “tinh, gọn, mạnh” là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Quân đội trong tình hình mới. Đây là chủ trương nhất quán, đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta nhằm xây dựng Quân đội đến năm 2025 cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Để thực hiện chủ trương trên, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quán triệt, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; kiên định nguyên tắc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; quan tâm, chăm lo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới công tác huấn luyện - đào tạo; thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, biên chế, trang bị của từng cơ quan, đơn vị, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật,… Đến nay, tổ chức Quân đội được điều chỉnh theo hướng tinh, gọn, mạnh, phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước trang bị các loại vũ khí mới, hiện đại; có cơ cấu và quân số hợp lý, bảo đảm cân đối, đồng bộ giữa các thành phần lực lượng, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ, khả năng SSCĐ ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Một số kinh nghiệm, bài học rút ra trong quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng đó là phải luôn giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội; quán triệt, thực hiện tốt quan điểm “người trước, súng sau”; xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kết hợp chặt chẽ công tác tổ chức, công tác tư tưởng với công tác chính sách; nắm vững và chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Quân đội phải có các chủ trương, giải pháp quyết liệt, đồng bộ, thống nhất, với quyết tâm chính trị cao nhất trong tổ chức thực hiện. Xây dựng Quân đội phải bảo đảm tinh về chính trị, gọn về tổ chức, phù hợp với điều kiện, năng lực nền kinh tế của đất nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị; phát huy sức mạnh của vũ khí, trang bị hiện đại để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
+ Phát triển nền công nghiệp quốc phòng tự chủ, hiện đại, lưỡng dụng được xác định là một trong những mũi nhọn nhằm nâng cao năng lực tác chiến của Quân đội; đồng thời, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Xin Tổng Tham mưu trưởng cho biết những thành tựu nổi bật và triển vọng trong lĩnh vực này?
Đại tướng Nguyễn Tân Cương: Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã triển khai đồng bộ các đề án, dự án, nhất là các dự án trọng điểm về: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Quy hoạch xây dựng và phát Công nghiệp tên lửa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035....; thành tựu nổi bật là đã nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được một số vũ khí trang bị mới, hiện đại mang thương hiệu Việt Nam, nhất là tên lửa và tàu biển. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đạt trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; các loại vũ khí được tích hợp các tính năng hiện đại của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), tác chiến điện tử, công nghệ bán dẫn, có quy mô tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động phù hợp; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Triển vọng của lĩnh vực này là, có đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng chiến - kỹ thuật cao, đáp ứng nhiêm vụ xây dựng Quân đội hiện đại; sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa phần lớn các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế. Cùng với đó, công nghiệp quốc phòng phải phát huy lợi thế và vai trò mũi nhọn về công nghệ lưỡng dụng để có thế dẫn hướng cho công nghiệp quốc gia trong một số lĩnh vực đặc thù, sở trường như: Cơ khí chính xác, đóng tàu, hóa nổ, điện tử - viễn thông, công nghệ số, hàng không vũ trụ, vật liệu mới, phương tiện không người lái, thiết bị mô phỏng, tự động hóa... Mũi nhọn về công nghệ lưỡng dụng phải được hiện thực hóa thành hiệu quả của các sản phẩm kinh tế do công nghiệp quốc phòng chế tạo, sản xuất có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
+ Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình để có những bước phát triển đột phá, toàn diện, bền vững ngang tầm thời đại. Cùng với đó, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực cũng như trong bối cảnh hội nhập toàn cầu mạnh mẽ và sâu rộng, Đại tướng có thể cho biết những định hướng sắp tới của Quân đội để Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục là lực lượng nòng cốt thực hiện sứ mệnh thiêng liêng cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, viết tiếp những trang sử mới, hào hùng của dân tộc?
Đại tướng Nguyễn Tân Cương: Cùng chung với tiến trình phát triển của đất nước khi bước vào Kỷ nguyên vươn mình với những phát triển đột phá, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục là lực lượng nòng cốt thực hiện sứ mệnh thiêng liêng cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Để thực hiện được sứ mệnh đó, Quân đội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước xử lý thắng lợi các tình huống về quân sự, quốc phòng, chủ động bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa", không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án, luật về quân sự, quốc phòng đã ban hành, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sẵn sàng chiến đấu; thường xuyên luyện tập và tổ chức lực lượng phù hợp, đáp ứng tốt với các tình huống, đánh thắng mọi hình thái chiến tranh của địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Hai là, nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân. Tổ chức tốt việc học tập quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần quyết tâm cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội. Đẩy mạnh tuyên truyền về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng phù hợp với từng đối tượng trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, văn hóa nghệ thuật bảo đảm hiệu quả, thực chất. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; coi trọng việc thực hiện chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Ba là, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức lực lượng và bảo đảm vũ khí trang bị cho Quân đội. Xây dựng Quân đội tinh về chính trị, gọn về tổ chức, hiện đại về vũ khí, trang bị kỹ thuật. Chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” gắn với xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Tăng cường kiểm tra chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tạo chuyển biến rõ nét về chấp hành kỷ luật, pháp luật, hạn chế thấp nhất các vụ việc nghiêm trọng. Đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đảm bảo giải quyết công việc nhanh, hiệu quả trong các cơ quan, đơn vị toàn quân.
Bốn là, xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học quân sự vững chắc, kịp thời nghiên cứu bổ sung và phát triển hệ thống lý luận về quân sự, quốc phòng, nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phòng ngừa, khắc phục sự cố môi trường, hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Phát triển khoa học quân sự là một trong những động lực để xây dựng Quân đội; đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát huy vai trò chủ động, tự lực, tự cường, tổ chức bảo đảm hậu cần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chỉ đạo chặt chẽ công tác đầu tư, mua sắm, sản xuất, cải tiến và nâng cao năng lực làm chủ công nghệ sửa chữa, khai thác, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại. Tiếp tục đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời bình và khi có tình huống chiến tranh.
Năm là, nâng cao tiềm lực đối ngoại quốc phòng, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đảng và chính sách quốc phòng “4 không”[1]. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Xây dựng tiềm lực đối ngoại quốc phòng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, tăng cường lòng tin chiến lược, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển đất nước, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, phát huy sức mạnh tổng hợp huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ tỉnh, huyện gắn kết chặt chẽ với thế phòng thủ của các quân khu và cả nước. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các lực lượng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là dịp các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước.
+ Xin trân trọng cảm ơn Đại tướng!
Nguyễn Hường (thực hiện)
(Ảnh: Do các đơn vị Quân đội cung cấp)
[1] Bốn không: (1) Không tham gia liên minh quân sự; (2) Không liên kết với nước này để chống nước kia; (3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam đế chống lại nước khác; (4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe đọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Link nội dung: https://danhgiaplus.vn/xay-dung-quan-doi-tinh-gon-manh-tien-len-hien-dai-trong-ky-nguyen-moi-cua-dat-nuoc-a26325.html