Nền kinh tế thời chiến của Nga đã được duy trì một phần nhờ vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, lĩnh vực mà châu Âu đã phụ thuộc trong suốt nhiều thập kỷ. Trong đó, Ukraine - quốc gia đang trong tình trạng xung đột với Nga lại đóng vai trò quan trọng nhờ vào thỏa thuận cho phép khí đốt của Nga quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine để đến châu Âu.
Tuy nhiên, thỏa thuận này sắp hết hạn vào cuối năm nay, và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ quan điểm không đồng ý gia hạn hợp đồng với các điều kiện như cũ, bất chấp mong muốn từ phía Điện Kremlin. Điều này có thể tạo thêm áp lực đối với Nga, đặc biệt trong bối cảnh đồng ruble mất giá nghiêm trọng và cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
Theo ước tính của Reuters, nguồn thu từ khí đốt Nga chuyển qua Ukraine sang châu Âu năm nay có giá trị khoảng 5 tỷ USD. Tuy vậy, lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 15 tỷ mét khối - một phần nhỏ so với mức trước đại dịch. Trong khi đó, Ukraine chỉ thu được khoảng 800 triệu USD từ phí trung chuyển, theo số liệu từ Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) tuần trước.
“Bất chấp rất nhiều bằng chứng cho thấy Nga sử dụng xuất khẩu khí đốt như một công cụ gây tổn hại cho châu Âu, các khách hàng ở những quốc gia có quan hệ thân thiện với Moscow hiện đang gây áp lực buộc Ukraine tiếp tục duy trì việc trung chuyển khí đốt từ năm 2025,” các chuyên gia của CEPA nhận định.
Sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga là kết quả của nhiều năm tích lũy. Tuy nhiên, sau cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2022, châu Âu buộc phải đánh giá lại sự phụ thuộc này, khiến giá khí đốt tăng vọt. Dần dần, các quốc gia đã từng bước giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu của Gazprom - tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga.
Dù Nga đã mất thị phần khí đốt tại châu Âu vào tay các đối thủ như Qatar và Na Uy kể từ khi xung đột bùng nổ, một số quốc gia như Slovakia và Áo vẫn dựa nhiều vào nguồn cung từ Nga. Đồng thời, các lệnh trừng phạt quốc tế đã khiến Nga chịu tổn thất lớn về doanh thu năng lượng, mặc dù lĩnh vực này vẫn chiếm khoảng 20% GDP của nước này.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, hôm thứ Hai thừa nhận rằng việc không gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt qua Ukraine là một thách thức “rất khó khăn, đòi hỏi sự chú ý đặc biệt”.
Mặc dù khả năng giá năng lượng tăng vọt do kết thúc hợp đồng là không cao, nhưng với việc phí trung chuyển ở các quốc gia châu Âu khác cao hơn đáng kể, điều này có thể gây ra bất ổn, làm cho các lựa chọn thay thế trở nên khó khả thi đối với những nước như Hungary.
Nền kinh tế Nga hiện đang bộc lộ một số điểm yếu do lạm phát gia tăng và sự phụ thuộc quá mức vào các ngành công nghiệp liên quan đến quân sự. Tuy nhiên, tổng thể, Nga vẫn thể hiện sự kiên cường dù chiến sự đã kéo dài ba năm.
Chẳng hạn, Nga đã xây dựng được các mối quan hệ thương mại với các đồng minh khác trên thế giới, như Trung Quốc và Ấn Độ. “Kinh tế Nga đã thích nghi, và các ngành công nghiệp chủ chốt đã tìm được cách để tiếp cận hàng hóa và linh kiện từ các nhà cung cấp thay thế hoặc qua các tuyến thương mại phức tạp hơn”, ông Sergey Vakulenko, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Carnegie Nga-Á Âu, nhận định đầu năm nay.
Dũng Phan (Theo Fortune)
Link nội dung: https://danhgiaplus.vn/nga-mat-nguon-thu-tu-hop-dong-khi-dot-qua-canh-qua-ukraine-a26443.html