Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ giúp người dân Cao Bằng chuyển biến về tư duy sản xuất

(CLO) Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) giai đoạn 2017 - 2024 được triển khai đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân tỉnh Cao Bằng. Nhiều vùng nông thôn trước đây vốn khó khăn về sinh kế thì nay, nhờ Dự án CSSP đã có hướng đi bền vững, người dân đã có ý thức về khai thác thế mạnh đất đai, nguồn nước của địa phương.

Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng được triển khai từ năm 2017, do Chính phủ Việt Nam và Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế tài trợ. Qua 7 năm triển khai thực hiện, Dự án CSSP đã có những tác động tới việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cộng đồng, thúc đẩy xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông sản, đem lại sự chuyển biến về tư duy sản xuất cho người dân.

Đồng thời, khẳng định cam kết hướng tới sự bền vững trong nâng cao chất lượng sống và giảm nghèo tại địa phương.

du an ho tro kinh doanh cho nong ho giup nguoi dan cao bang chuyen bien ve tu duy san xuat hinh 1

CSSP giúp người dân Cao Bằng cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo

Dự án CSSP được triển khai trên địa bàn 30 xã thuộc 3 huyện Hà Quảng, Nguyên Bình và Thạch An gồm 4 hợp phần và 7 tiểu hợp phần, tập trung hỗ trợ trực tiếp cho nhóm hộ nghèo, cận nghèo nông thôn, hộ nông dân, nhóm đồng sở thích (CIG), cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Bà Vũ Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban điều phối Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng cho biết: Dự án triển khai đã giúp giảm nghèo bền vững và tạo thu nhập tăng thêm cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo vùng dự án và tạo điều kiện cho các tác nhân hưởng lợi khi tham gia phát triển các chuỗi giá trị nông - lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Người dân, hộ gia đình sống gần rừng và trồng rừng có cơ hội tiếp cận làm kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường rừng khi tham gia chuỗi giá trị sản phẩm không phương hại đến rừng.

Các lợi ích chính có được từ việc thực hiện Dự án như tăng sản lượng và năng suất trồng trọt, nông nghiệp và chăn nuôi gia súc có khả năng chống chịu tốt hơn với BĐKH, nhờ áp dụng các kĩ thuật canh tác nông nghiệp thích ứng với BĐKH; tăng tỷ lệ nông sản được bán trên thị trường dựa trên mối liên kết chặt chẽ hơn với thị trường và các đại lý tiêu thụ; giảm thất thoát trong quá trình sản xuất, chế biến và vận chuyển nông sản nhờ công nghệ đổi mới và công trình hạ tầng nông thôn được nâng cấp; thúc đẩy khả năng gia tăng giá trị trong chuỗi giá trị nông - lâm nghiệp và cải thiện chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao giá thành cho người sản xuất...

Cũng theo bà Thúy, trong giai đoạn 2017 - 2024, Dự án CSSP đã hỗ trợ hoàn thiện 5 kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị (SIP) dựa trên ngành hàng là các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương, gồm: lợn đen, bò Mông, dong riềng, gừng hàng hóa và lúa gạo chất lượng cao; 8 bản kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị (VCAP) cấp huyện và 53 bản VCAP cấp xã được xây dựng, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Các kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Các hộ dân chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị từ khâu cung ứng con giống, cây giống bảo đảm chất lượng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Mối liên doanh, liên kết giữa người sản xuất với đơn vị tiêu thụ sản phẩm ngày càng vững chắc.

Trao quyền cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số vùng xa

Giám đốc Ban điều phối Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Dự án giúp giảm thiểu khi thải do mất rừng và suy thoái rừng thông qua giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, khuyến khích đầu tư chiến lược, hiệu quả nhằm phục hồi và quản lý bền vững diện tích rừng. Nâng cao nhận thức canh tác nông - lâm nghiệp không gây phương hại đến môi trường; Nâng cao năng lực quản lý và giám sát tài nguyên rừng, tài nguyên đất nông lâm đến các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Đặc biệt, Dự án đã mang lại những lợi ích xã hội quan trọng như: trao quyền cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng xa thông qua việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của họ; Giúp các hộ ở nông thôn tiếp cận tốt hơn với các loại dịch vụ, thông tin và thị trường, đồng thời giúp họ tích cực tham gia vào quá trình ra quyết định tại gia đình và cộng đồng; Tạo việc làm và nâng cao sự hiểu biết của nông dân; Tăng giá trị các sản phẩm tiềm năng của khu vực nông thôn thông qua các chuỗi giá trị, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho người dân vùng dự án...

Tại Cao Bằng, Dự án cũng đã hỗ trợ thành lập 678 nhóm đồng sở thích/tổ hợp tác, trong đó có 644 tổ được nhận tài trợ từ quỹ CSA với tổng số vốn hơn 43,5 tỷ đồng; 280/678 tổ nhóm có liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó có 180 nhóm CIG liên kết với 6 doanh nghiệp/hợp tác xã/ hộ kinh doanh được nhận quỹ APIF (Quỹ xúc tiến đầu tư kinh doanh nông nghiệp). Việc liên kết bảo đảm tính hiệu quả và bền vững cho các tổ hợp tác, tạo sinh kế, tăng cơ hội tìm việc làm cho người dân, nhất là lao động nữ, người dân tộc thiểu số. Không những vậy, dự án còn duy trì 322 nhóm tiết kiệm tín dụng cho đối tượng phụ nữ nghèo mong muốn tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng dành cho Quỹ Phụ nữ phát triển; đầu tư 188 công trình hạ tầng cơ sở đưa vào sử dụng phục vụ các chuỗi giá trị.

du an ho tro kinh doanh cho nong ho giup nguoi dan cao bang chuyen bien ve tu duy san xuat hinh 2

Đến nay, kết quả hoạt động giải ngân dự án lũy kế là trên 732.825 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 90,12% tổng mức được phê duyệt.

Ngày 25/9/2024 vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đề xuất dự án ''Đầu tư phát triển chuỗi giá trị nông - lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Cao Bằng'' sử dụng vốn ODA (vốn vay tổ chức IFAD và vốn viện trợ không hoàn lại).

Theo UBND tỉnh Cao Bằng, khi dự án thực hiện sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển các chuỗi giá trị tiềm năng trên địa bàn tỉnh và cải thiện các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia REDD+ tại tỉnh Cao Bằng là hết sức cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh. Thông qua triển khai dự án sẽ giúp giải quyết các vấn đề hạn chế trong việc phát triên các chuỗi giá trị nông - lâm nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế mất và suy thoái rừng, xây dựng và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp của tỉnh, giúp người dân, đặc biệt là người nghèo cận nghèo, người dân tộc thiểu số tăng cường năng lực sản xuất với các ngành hàng phù hợp không gây mất rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, giảm bớt những tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra.

Trâm Anh

Link nội dung: https://danhgiaplus.vn/du-an-ho-tro-kinh-doanh-cho-nong-ho-giup-nguoi-dan-cao-bang-chuyen-bien-ve-tu-duy-san-xuat-a27219.html