Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Bài viết được đăng tải, lan tỏa rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội, thu hút sự chú ý của đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân.
Bài viết có đoạn: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại”. Kể từ đó, cụm từ “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” ngày càng được phổ biến rộng rãi, dần quen thuộc trong xã hội.
Ngày 31/10, tại buổi trao đổi về chủ đề “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” với các học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV (lớp thứ 3), Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm rõ hơn nội hàm khái niệm kỷ nguyên vươn mình cùng những đặc điểm nổi bật, cụ thể. Nội dung trao đổi gồm 2 phần: “Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và “Những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Tổng Bí thư cho rằng, một trong những mục tiêu ước vọng trong quá trình vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới, đó là mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hoà bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu...
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là từ Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh. “Chúng ta xác định là từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam. Chúng ta phải có kế hoạch dài hạn, theo đó 5 năm cần làm gì, 10 năm tới ra sao để đạt được mục tiêu đã đề ra. Thế giới đang thay đổi liên tục, nếu chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Như vậy là, chỉ còn 1 năm nữa (dự kiến Đại hội XIV của Đảng diễn ra vào tháng 1/2026), kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính thức bắt đầu. Thời gian không còn dài, nhưng những vận hội cùng thách thức đã dần rõ ràng hơn. Điều quan trọng nhất, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mục tiêu đầu tiên được đặt ra hết sức cụ thể, đó là “mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu”. Vì dân, đó luôn là đích đến, là mục tiêu đầu tiên mà Đảng ta đặt ra, kể từ khi thành lập năm 1930 đến nay. Ngay sau Đại hội XIV, Đảng ta cũng tròn 95 năm thành lập và trưởng thành.
Trong suốt chiều dài gần 1 thế kỷ ấy, Đảng vì dân, dân tin yêu và làm theo Đảng, đưa đất nước có những bước phát triển mạnh mẽ, thần kỳ, ngày càng gia cố, nâng tầm uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Trong suốt chiều dài gần 1 thế kỷ ấy, Đảng ta luôn thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - về một nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Những lời dạy của Bác luôn được khắc ghi, hiện thực hóa, đó là: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là chính phủ của toàn dân”; “Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”; “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”...
Trong suốt chiều dài 95 năm đã qua, Đảng ta luôn kế thừa, phát huy, vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước và trên thế giới, đưa đất nước đến chỗ “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Và chắc chắn, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khi cả đất nước trở thành một khối đoàn kết thống nhất, mọi người đều chung sức, đồng lòng tin yêu Đảng, dưới sự dẫn dắt, soi đường của Đảng, người dân không chỉ “có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, mà còn “được hỗ trợ phát triển, làm giàu”. Đích đến đã vạch ra, lộ trình đã rõ ràng, vận hội tươi sáng của đất nước đang mở ra sáng ngời niềm tin yêu, chứa chan hy vọng...
Tất nhiên, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, những thách thức là rất lớn. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhận xét: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”; vì vậy đây là thách thức căn bản, rất lớn, mấu chốt để hóa giải những thách thức khác. Những thách thức cơ bản, theo nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, đó có thể là bối cảnh thế giới có nhiều chuyển động mang tính thời đại, khó lường, tác động trong dài hạn đến an ninh và phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc. Đó chính là diễn biến của thời đại kinh tế số tác động sâu rộng, mạnh mẽ tới tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Đó là toàn cầu hóa; là phát triển bền vững; là sự cải cách, đổi mới quyết liệt cả ở hệ thống chủ nghĩa xã hội và tư bản chủ nghĩa; là bẫy thu nhập trung bình và cách thoát khỏi nó...
Điều quan trọng, đáng chú ý nhất là Đảng ta đã nhận diện “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nên sẽ tập trung nguồn lực để khơi thông, dồn tâm huyết, trí lực để thực hiện nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả. Thách thức được chỉ ra, nhiệm vụ đã rõ ràng, “điểm nghẽn” mấu chốt đã được xác định, đó chính là thời điểm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tin yêu của nhân dân.
Đó thực sự là cuộc cách mạng về sự đổi mới, có thể là cuộc đổi mới kỳ vĩ thứ hai của đất nước ta, sau cuộc đổi mới tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Và một lần nữa, ở cấp độ cao hơn, Đảng ta lại bừng lên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình, khẳng định những mặt làm được, phân tích những sai lầm, khuyết điểm, rút ra những bài học kinh nghiệm lớn và đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Với tinh thần, khí thế mới, chắc hẳn sẽ là sự quyết tâm đổi mới, “công phá” những lỗi thời, quan liêu trong quản lý, quản trị đất nước, xây dựng bộ máy chính quyền tinh, gọn, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, khơi thông điểm nghẽn trong xây dựng và tổ chức thực thi luật, khắc phục triệt để cơ chế xin - cho, tư duy “không quản được thì cấm” và tình trạng có chủ trương, có luật rồi nhưng chùng chình chưa muốn làm, chưa muốn đổi mới; thời cơ và vận hội cho đất nước phát triển, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
Nguyễn Tri Thức
Link nội dung: https://danhgiaplus.vn/van-hoi-thach-thuc-cua-viet-nam-truoc-ky-nguyen-chuyen-minh-a27585.html