Thầy cô, hãy như ngọn nến!

Admin
(NB&CL) Với hàng loạt những sự việc xảy đến ngay trước thềm Ngày 20/11, không thể không chua chát thừa nhận, đã có không ít những con sâu đang làm rầu ngành giáo dục nước nhà, nhiều người làm thầy làm cô đã chưa thể là ngọn nến cháy soi đường.

Nhà cách mạng Mustafa Kernal Ataturk có câu: “Người thầy giáo tốt như một ngọn nến, ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác”. K.D.Usin-xki - nhà sư phạm lỗi lạc người Nga từng khẳng định: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”.

Nhưng với hàng loạt những sự việc xảy đến ngay trước thềm Ngày 20/11, không thể không chua chát thừa nhận, đã có không ít những con sâu đang làm rầu ngành giáo dục nước nhà, nhiều người làm thầy làm cô đã chưa thể là ngọn nến cháy soi đường.

1. Nếu không phải là bản Thông báo có số có dấu đỏ chói, được chụp, truyền tải nguyên văn và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, rất nhiều người sẽ rất khó tin câu chuyện xảy đến tại Trường THPT Lạc Long Quân là sự thật. Bởi chuyện xảy ra tại một ngôi trường ngay tại Thủ đô, vùng đất của khoa cử, văn hiến; bởi câu chuyện mang đậm tính khôi hài; bởi nhân vật chính lại là một người đứng đầu cả một ngôi trường lớn. Đó là sự việc đã xảy ra tại Trường THPT Lạc Long Quân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Chuyện là vị Hiệu trưởng của ngôi trường này đã ký văn bản Thông báo trong đó cho biết Trường THPT Lạc Long Quân đã nhận được phản ánh về việc anh H - một phụ huynh lớp 12A3 của trường có ý kiến trong nhóm zalo của lớp (nhóm kín) về chuyện thu chi đầu năm của nhà trường. Thông báo cho biết, nhà trường đã nhiều lần mời phụ huynh để nghe giải thích về nội dung tin nhắn nhưng không nhận được sự hợp tác.

Ngày 7/9, trường cử giáo viên chủ nhiệm đến nhà để trao đổi và chuyển lời mời của ban giám hiệu nhưng phụ huynh H vẫn chưa lên làm việc. Ngày 25/9, Trường THPT Lạc Long Quân tiếp tục gửi thông báo tới phụ huynh yêu cầu anh H lên làm việc. Sau thời gian trên, nếu ông không lên làm việc, nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh..., thông báo có dấu đỏ và chữ ký của Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân nêu rõ.

Theo anh H, tối 3/10, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 gọi điện cho gia đình anh H thông báo con anh chị phải nghỉ học từ 4/10 nhưng không có văn bản nào được gửi đến gia đình anh.

thay co hay nhu ngon nen hinh 1

Sự việc khi được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã ngay lập tức tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội từ cả các phụ huynh lẫn chính những người trong ngành giáo dục. “Cần phải xem lại kỹ năng quản lý và thái độ đạo đức của hiệu trưởng. Không có quy định nào về việc phụ huynh học sinh không phối hợp thì đuổi học con cái của họ... Giáo dục là làm những hành động mang tính chất giáo dục, vì lợi ích của người học. Nếu chỉ bực lên mà đuổi học sinh thì còn đâu là sứ mệnh của nhà trường?” - TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT bày tỏ quan điểm.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội thì khẳng định: “Việc được học tập là quyền lợi chính đáng của học sinh. Trong sự việc này, học sinh không có tội tình gì. Nhà trường phải luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên, không thể vì bất đồng quan điểm giữa nhà trường với phụ huynh mà không cho em đến lớp, cũng không vì bất cứ lý do gì không phù hợp quy định của pháp luật mà từ chối giáo dục học sinh”.

Như vậy, từ chính quan điểm của những người đã, đang làm công tác giáo dục, chưa bàn tới việc phụ huynh H đúng sai thế nào, chỉ riêng việc chấm dứt việc học tập của học sinh, dù đã được gắn dưới cụm từ mỹ miều “từ chối công tác giáo dục”, đều là phi giáo dục, phi nhân văn và phi pháp luật, cho dù là trường tư hay trường công.

2. Điều đáng buồn là chỉ trong vòng thời gian không quá dài, ngành giáo dục nước nhà lại liên tục làm rầu lòng dư luận và báo giới với không ít những câu chuyện phi giáo dục, phi nhân văn, và cả phi pháp luật từ chính những người đang mang trên mình trọng trách và vinh dự lớn: làm thầy, làm cô.

Đơn cử như vụ “bạo lực học đường” xảy đến tại một lớp 12 của Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) khi một nữ sinh của lớp đã bị cô giáo chủ nhiệm túm cổ áo, kéo lê ở hành lang lớp học mặc cho học sinh vẫn không dừng khóc chỉ vì mua bánh… không đúng yêu cầu. Trong đoạn video, nữ giáo viên này có những lời lẽ khó nghe đối với học sinh.

Chưa hoàn hồn, dư luận và báo giới lại choáng váng trước sự vụ một thầy giáo Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, Hà Nội, xưng “mày - tao”, chỉ tay vào mặt học sinh và mắng “hiểu chưa con chó” ngay trong lớp học. Trong video, thầy giáo mặc áo sơ mi, gọi một nam sinh lên bục giảng. Thầy xưng “bố mày” và chỉ tay vào mặt học sinh, nói: “Bây giờ làm đúng rồi, gạch đi, viết lại thì mới sai. Mày có hiểu không con chó này?”. Sau đó, thầy vung sách, rồi đưa cho học sinh, quát “Về”. Mới nhất là vụ việc một học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Hải Hòa ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bị cô giáo dùng roi tre đánh bầm tím lưng do không chịu làm bài tập…

Đó chỉ là 3 trong số không ít những vụ việc “thầy, cô bạo hành học sinh” gây xôn xao dư luận thời gian qua. Điều đau lòng là giờ đây, nói đến “vấn nạn bạo lực học đường”, đã không chỉ là vấn nạn giữa học sinh với học sinh mà còn cả của thầy cô đối với học sinh của mình.

thay co hay nhu ngon nen hinh 2

Thầy cô giáo tốt như một ngọn nến - ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác. Ảnh: T.L

3. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra với ngành Giáo dục? Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi chứng kiến những câu chuyện rầu lòng ấy xảy đến trong môi trường giáo dục. Trước các vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian qua, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023-2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, tất cả các sự việc, tình huống trong nhà trường, đối với học sinh yêu cầu phải đặt quyền lợi học sinh lên trên hết. “Trong các trường học có khẩu hiệu: Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm và tôi cho rằng, cần đưa chữ tình thương lên đầu tiên. Hơn ai hết, trong trường học, thầy cô phải thương học trò và có ứng xử phù hợp. Tất nhiên, học trò vi phạm kỷ luật vẫn phải xử phạt trên tinh thần răn đe, giáo dục vì trường học là môi trường giáo dục học sinh nhằm hướng các em rèn luyện nhân cách tốt đẹp hơn” - người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô nhấn mạnh.

Tôi thiết nghĩ, không một người thầy, người cô nào, không một vị hiệu trưởng nào, không ý thức được về mấy chữ “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” ấy. Nhưng vì sao trong bối cảnh hiện nay, khi các thầy, các cô ra sức rèn trò của mình kỷ cương thì phần nào đã quên đi tình thương, trách nhiệm của mình? Vì đâu, tự bao giờ tại nhiều nơi, hiệu trưởng đã trở thành ông quan trường? Vì áp lực của nghề giáo, vì đồng lương ít ỏi, vì lịch dạy dày đặc hay vì những lý do nào khác?

Trong khi chờ đợi ngành giáo dục đào tạo đi tìm câu trả lời cho những day dứt ấy, tôi lại nhớ những người thầy, người cô đang miệt mài, thầm lặng “cắm bản”, gieo con chữ nơi vùng biên cương, vùng sâu, vùng xa nơi không điện lưới, không điện thoại… Tôi lại xót xa nhớ về  cô giáo cắm bản ở Hà Giang, tử vong trên đường tới trường… Thử hỏi những con người như họ có mưu cầu hạnh phúc riêng tư hay không, có mong muốn đồng lương đủ sống hay không? Tôi nghĩ là có, vì trên tất cả họ vẫn là những con người bình thường. Nhưng vì sao họ nén được những mưu cầu riêng tư của mình xuống dưới niềm hạnh phúc được đến trường của các em học sinh? Tôi nghĩ là bởi, họ đã “thấm” rất sâu trách nhiệm của nghề làm thầy, của “nghiệp chèo đò chở con chữ”, như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương”.

Và một khi đã trót yêu, đam mê “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”, thì như lời nhà cách mạng Mustafa Kernal Ataturk: “Một thầy giáo tốt như một ngọn nến - ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác”, soi đường chứ không phải ảnh hưởng tiêu cực tới học trò bằng những hành vi, lời nói phi giáo dục, phi nhân văn và và phi pháp luật.

Hà Anh