Thêm nhiều quốc gia trao nhân viên quyền “bơ” sếp sau giờ làm việc

Admin
(CLO) Vào thứ Hai (26/8), nhân viên Australia đã được trao quyền hợp pháp bỏ qua email và cuộc gọi từ người sử dụng lao động sau khi kết thúc giờ làm việc. Những thay đổi về luật mới đây đưa Australia vào nhóm 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ Latinh, có quy định bảo vệ nhân viên.

Cụ thể, người lao động tại Australia hiện có thể bỏ qua những cuộc gọi, email, tin nhắn ngoài giờ làm việc, cũng như từ chối các hành vi xâm phạm khác vào cuộc sống gia đình nhờ luật "quyền ngắt kết nối" mới, được thiết kế để hạn chế ảnh hưởng từ công việc vào cuộc sống cá nhân.

Quy định mới có hiệu lực vào ngày 26/8. Trong hầu hết các trường hợp, nhân viên không thể bị phạt vì từ chối đọc hoặc trả lời liên hệ từ người sử dụng lao động ngoài giờ làm việc.

them nhieu quoc gia trao nhan vien quyen bo sep sau gio lam viec hinh 1

Thực khách thưởng thức bữa tối trên bến cảng gần Nhà hát Opera Sydney ở Sydney, Australia. Ảnh: Reuters.

Những nơi làm việc vi phạm các quy tắc nêu trên sẽ bị tòa án Ủy ban Công bằng Lao động Australia phạt lên tới 93.900 đôla Australia (63.805 USD Mỹ).

Dù được nhiều người lao động tán thành, Australia không phải là quốc gia đầu tiên đưa ra quyền ngắt kết nối khỏi công việc.

Những thay đổi về luật mới đây đưa Australia vào nhóm 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ Latinh, có quy định bảo vệ nhân viên. Như tại Pháp, quyền ngắt kết nối được thực thi từ năm 2017. Năm 2018, một công ty Pháp từng bị phạt gần 67.000 USD vì yêu cầu nhân viên luôn phải bật điện thoại.

Trong khi đó, Đức, Italy và Canada đã áp dụng các biện pháp tương tự.

Mặc dù sử dụng hình ảnh thoải mái, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và người ủng hộ lao động cho rằng quốc gia này đang phải đối mặt với văn hóa làm việc quá sức ngày càng gia tăng.

Năm ngoái, trung bình một nhân viên tại “đất nước chuột túi” đã làm việc không công trung bình 5,4 giờ mỗi tuần, trong khi những người từ 18 đến 29 tuổi làm việc không công 7,4 giờ.

Chris Wright, Phó Giáo sư ngành Nghiên cứu Công việc và Tổ chức tại Đại học Sydney, cho biết mặc dù người Australia thường được coi là “chơi hết mình”, nhưng họ cũng làm việc nhiều giờ hơn so với người dân ở nhiều quốc gia phát triển khác.

Ông Wright đã trích dẫn dữ liệu từ OECD năm 2018, trong đó phát hiện ra rằng những người lao động toàn thời gian của nước này dành 14,4 giờ cho việc chăm sóc cá nhân và giải trí mỗi ngày, thấp hơn mức trung bình 15 giờ của OECD.

Chỉ số này cũng phát hiện ra rằng 13 phần trăm nhân viên “làm việc rất nhiều giờ”, so với mức trung bình 10 phần trăm của OECD.

Ngoài ra, vị Phó Giáo sư cũng lưu ý rằng mặc dù làm việc nhiều giờ, Australia đã ghi nhận mức tăng trưởng năng suất chậm trong hai thập kỷ qua, với năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế giảm 3,7 phần trăm trong giai đoạn 2022-2023.

Lê Na (Theo Al Jazeera)