Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 có 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp… Đây là chính sách mới, tích hợp nhiều chính sách trước đây cộng lại. Do đó, việc thực hiện sẽ có những khó khăn, vướng mắc đã được dự báo trước. Một số chuyên gia cho rằng, cần cho phép kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn đầu tư cho cả giai đoạn trung hạn đối với chương trình này.
Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) để ghi nhận ý kiến.
+ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa của chương trình này?
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng: Trước hết, tôi đánh giá rất cao Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là một trong ba chương trình mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Chương trình này rất có ý nghĩa với đồng bào miền núi, bởi vì nơi đây có thể nói là nơi đặc biệt khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đã thể hiện sự quan tâm rất thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với bà con miền núi.
+ Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình này, Đại biểu Quốc hội đánh giá ra sao về kết quả bước đầu chúng ta đã đạt được?
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng: Tôi thấy bước đầu nhận thức của người dân rất tốt, họ rất quan tâm đến chương trình. Ai cũng thấy rằng, đây là một chương trình được Đảng, Nhà nước ưu ái cho mình.
Về 10 dự án trọng tâm triển khai thực hiện của chương trình, dự án nào cũng có ý nghĩa thiết thực, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Có thể khẳng định những dự án này sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp bà con ổn định cuộc sống, có đất ở, đất sản xuất, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, giúp an cư lạc nghiệp cho đồng bào miền núi.
Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta quyết tâm thực hiện đến nơi, đến chốn chương trình mục tiêu quốc gia này thì sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân miền núi. Đây cũng là kỳ vọng, mong chờ của bà con đồng bào.
+ Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cũng đã bàn về việc “gỡ vướng” cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đại biểu tâm đắc nhất là nội dung nào?
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng: Qua một thời gian triển khai thực hiện cho thấy, ở giai đoạn đầu, chúng ta còn gặp những khó khăn, lúng túng, do cơ chế triển khai từ trung ương còn chồng chéo, khó thực hiện, một phần cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… Do đó, tiến độ giải ngân của dự án còn chậm so với kỳ vọng của chúng ta.
Trong những ngày vừa qua, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã bàn về chương trình này, thông qua giám sát tối cao của Quốc hội. Tôi cho rằng, đây là điều rất đúng đắn.
Qua chương trình nghị sự Quốc hội đã bàn rất chi tiết về vấn đề này, tôi cũng rất tâm đắc ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo rất cặn kẽ đối với chương trình. Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp mà Quốc hội vừa bàn luận thì kết quả chương trình sẽ sớm đi vào cuộc sống của bà con miền núi.
Một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang rất thực tiễn, đó là chúng ta nên phân cấp, phân quyền mạnh cho cấp huyện, ở một tỉnh chọn một huyện làm thí điểm, để cho họ tự quyết với chương trình này. Ví dụ, ở địa phương nếu như nhận thấy tiểu dự án nào chưa cần thiết đối với địa bàn mình thì họ có thể thay đổi từ tiểu dự án này sang tiểu dự án khác phù hợp, cấp thiết với địa phương hơn. Hoặc khi chi phí cho các dự án có sự thay đổi thì họ cũng có thể quyết theo quy định. Những thủ tục nào thuộc thẩm quyền cấp huyện quyết thì để cho cấp huyện quyết. Như vậy thì chương trình mục tiêu quốc gia này sẽ thông suốt trong quá trình triển khai thực hiện, nhanh chóng đi vào cuộc sống của người dân hơn.
Tôi cho rằng, chỉ đạo này của Phó Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
+ Đại biểu Quốc hội nghĩ sao về quan điểm cho rằng, cần cho phép kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn đầu tư đối với chương trình này?
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng: Năm 2022 có nhiều khó khăn, phân bổ nguồn vốn chậm, cuối năm 2022 mới phân bổ nguồn vốn này. Chính vì vậy, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội và tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã đồng ý cho chuyển tiếp nguồn vốn của năm 2022 thực hiện đến hết năm 2023.
Thế nhưng, đến hiện nay, nguồn vốn này cũng đang khó khăn, nhiều tỉnh giải ngân còn rất thấp. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đã đề xuất với Chính phủ và Quốc hội cho kéo dài nguồn vốn của năm 2022 và năm 2023 tiếp tục được giải ngân đến hết năm 2024. Tôi cho rằng đề xuất này là hoàn toàn chính đáng, phù hợp thực tiễn.
Tuy nhiên, ở khu vực miền núi, bà con cũng mong muốn rằng được kéo dài thêm thời gian giải ngân vốn. Bởi vì, khu vực miền núi trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án gặp nhiều khó khăn, nhất là thiên tai, bão lũ hoặc là đối ứng của bà con cũng khó khăn… cho nên tiến độ giải ngân sẽ chậm hơn khu vực khác. Do đó, cần tiếp tục kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn này thì hiệu quả của chương trình sẽ tốt hơn.
+ Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội!