Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến bày tỏ quan điểm nhất trí về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và trong việc thi hành pháp luật thời gian qua.
Đóng góp ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, theo dự thảo Luật thì Chính phủ chỉ quy định về thẩm quyền cho các cơ quan cấp dưới cũng như các chính quyền địa phương trong việc quản lý các nội dung liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, nội dung này không được thể hiện rõ ràng ở các điều luật sau đó. Trên cơ sở quy định thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, hội đồng nhân dân các cấp quy định thẩm quyền quản lý sử dụng tài sản công cho các cơ quan cấp dưới.
Theo đại biểu Trần Khánh Thu, quy định như vậy sẽ xảy ra sự chồng lấn, thiếu rõ ràng về phạm vi, cần rà soát, nghiên cứu, làm rõ nội dung, phạm vi quy định của Chính phủ và các cơ quan cấp dưới để tránh mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong ngay chính luật này và cũng như luật khác của hệ thống pháp luật.
Đối với quy định về khấu hao, hao mòn tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, quy định như dự thảo luật sẽ gây thêm khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ.
Đại biểu cho biết, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã có quy định về tính khấu hao trong kết cấu giá thành sản phẩm dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, Nghị định này nêu rõ, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Trong đó, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế đến thời điểm hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thì giá cung cấp dịch vụ không có yếu tố khấu hao tài sản và cũng không có quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp nên chưa được tính đầy đủ như giá dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ nội dung này để có quy định bám sát điều kiện thực tế, tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại.
Góp ý về việc sửa đổi Luật ngân sách nhà nước, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) cho biết, trong hồ sơ, Chính phủ trình kèm theo các dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết, tuy nhiên đây là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến quản lý, điều hành ngân sách, cho nên Chính phủ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, không luật hoá nghị định, thông tư. Đồng thời, cần cân nhắc việc quy định quá linh hoạt có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn trong quản lý tài chính, ngân sách, có thể rủi ro cho cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ trong điều kiện hệ thống chính sách chưa thực sự đồng bộ, thống nhất như hiện nay.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các luật liên quan, sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, nghiên cứu nội hàm để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, không mang tính dàn đều mà ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, lĩnh vực kinh tế ngành trọng yếu của quốc gia, lĩnh vực kinh tế có thể khai thác hiệu quả nguồn lực cho ngân sách nhà nước, phát huy tối đa nguồn lực của địa phương và khu vực ngoài nhà nước, đồng thời tạo điều kiện chủ động cho việc điều hành ngân sách của địa phương. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu các nội dung về chuyển nguồn ngân sách, hệ thống các chính sách đặc thù đã ban hành liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư, các quy định về vay vốn nước ngoài, quỹ tài chính trong và ngoài ngân sách để làm cơ sở sửa đổi toàn diện luật, hoàn thiện các chính sách đặc thù.