Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 240/NQ-CP ngày 17/12/2024 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2024.
Bổ sung nội dung liên quan đến ủy quyền trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước
Đáng chú ý, tại Nghị quyết, Chính phủ thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, trong đó lưu ý rà soát, bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, sớm báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan theo thẩm quyền rà soát, sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị trên cơ sở Hiến pháp năm 2013.
Nghị quyết cũng đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến việc phân công trong nội bộ từng cơ quan và mối quan hệ, cũng như cơ chế vận hành, quyền hạn và trách nhiệm của tập thể cơ quan với cá nhân người đứng đầu để thể hiện rõ tinh thần phân cấp trong chính các cơ quan của Chính phủ, qua đó, giúp bộ máy của Chính phủ vận hành hiệu quả.
Đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung nội dung liên quan đến ủy quyền trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với chính quyền địa phương.
Xác định phạm vi phân cấp, phân quyền
Một nội dung đáng chú ý khác được Chính phủ cho ý kiến là Đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ, trong đó lưu ý:
Rà soát, bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chú trọng truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận. Tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu của chính sách phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không có thẩm quyền quyết định việc phân quyền, do đó Bộ Nội vụ cần tiếp tục rà soát, xác định nội dung chính sách phù hợp; đồng thời xác định phạm vi phân cấp, phân quyền tại Luật này bảo đảm thống nhất với việc quy định về phân cấp, phân quyền trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Việc xây dựng nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, tránh chồng chéo trùng lắp nhằm triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và khả năng quản lý, điều hành của từng cấp chính quyền địa phương. Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý vướng mắc, bất cập liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", bảo đảm khả thi, phù hợp với thẩm quyền các cơ quan, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu các mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó đánh giá thực tiễn triển khai thí điểm trong thời gian qua, đề xuất các mô hình bảo đảm khả thi, hoạt động hiệu quả.
Về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của phương án không tổ chức cấp chính quyền địa phương ở xã (không tổ chức Hội đồng nhân dân xã), nhất là quyền đại diện của Nhân dân và hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở.