Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sơ bộ khoảng 122.774,28 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ nhà đầu tư và vốn vay khoảng 53.109 tỷ đồng (bao gồm lãi vay), còn lại là vốn ngân sách.
Tổng diện tích đất được sử dụng cho dự án dự kiến khoảng 1.415,49ha. Trong đó đất trồng lúa khoảng 455,71ha, đất nông nghiệp khác khoảng 245,16ha, đất ở khoảng 152,21ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 511,33ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khoảng 5,90ha; đất khác khoảng 45,18ha.
Số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 5.862 hộ. Trong đó, TP HCM có 1.280 hộ; Bà Rịa - Vũng Tàu 595 hộ; tỉnh Đồng Nai 1.697 hộ; tỉnh Long An 2.290 hộ.
Sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 40.994,42 tỷ đồng. Trong đó, TP HCM đoạn qua huyện Củ Chi khoảng 6.691,36 tỷ đồng; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 3.924,03 tỷ đồng; tỉnh Đồng Nai khoảng 9.321,45 tỷ đồng, tỉnh Long An khoảng 19.529,61 tỷ đồng, TP HCM đoạn qua huyện Nhà Bè khoảng 1.527,97 tỷ đồng.
Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23 km, qua Đồng Nai 46,08 km, qua TP HCM 16,7 km, qua Long An dài 78,3 km (bao gồm đoạn qua Long An dài 74,5 km, đoạn qua địa phận TP HCM dài 3,8 km).
Riêng đoạn đi qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,95 km (không thuộc phạm vi dự án) đã được địa phương đầu tư 8,12 km, đoạn xây dựng mới 39,33 km đang triển khai đầu tư theo chủ trương đã được HĐND tỉnh thông qua.
Đối với đoạn 12 km đường đô thị trên Vành đai 4, UBND tỉnh Bình Dương đang triển khai điều chỉnh để đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc đồng bộ với quy mô toàn dự án, theo ý kiến của Bộ GTVT.
Dự án đường Vành đai 4 TP HCM có tốc độ thiết kế 100 km/giờ; mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe cao tốc, có đường song hành 2 bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.
Các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn. Tuyến chính cao tốc sẽ đầu tư 4 làn và 2 làn khẩn cấp, đồng thời các địa phương làm đường gom, đường song hành hai bên.
Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại Hợp đồng xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), có sự tham gia của nguồn vốn Nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương), phần còn lại là nguồn vốn của Nhà đầu tư.
Theo tờ trình, tiến độ dự án Vành đai 4 TP HCM sẽ lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2025. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện từ năm 2025 và hoàn thành năm 2026. Dự kiến quý I, II/2026 sẽ khởi công dự án và hoàn thành năm 2028.