Khuyến nông phải chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang canh tác nông nghiệp hữu cơ, hiện đại, thông minh

Admin
(CLO) Về Chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, khuyến nông phải cùng với bà con nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang canh tác nông nghiệp hữu cơ, hiện đại, thông minh...

Sáng 18/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về Chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (Chiến lược Khuyến nông).

khuyen nong phai chuyen doi phuong thuc san xuat truyen thong sang canh tac nong nghiep huu co hien dai thong minh hinh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.

Đẩy mạnh khuyến nông điện tử

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, công tác khuyến nông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo.

Định hướng công tác khuyến nông trong thời gian tới là: Hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật công nghệ; tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng các vùng nông sản liên kết với doanh nghiệp; đẩy mạnh khuyến nông điện tử.

Lực lượng khuyến nông sẽ phát triển theo hướng tích hợp đa giá trị, gắn với thị trường để người nông dân sản xuất trên những cánh đồng nhỏ nhưng tạo ra sản lượng hàng hoá lớn. Thay vì chỉ hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, lực lượng khuyến nông sẽ phải chuyển giao tổ chức sản xuất, liên kết thành vùng nguyên liệu, thông tin thị trường, hỗ trợ người nông dân trong chuyển đổi số để lựa chọn giải pháp sản xuất đúng trên cơ sở khai thác thông tin, dữ liệu của từng thị trường. Bên cạnh đó, lực lượng khuyến nông của các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thúc đẩy mở rộng hơn nữa tại những khu vực thuận lợi, còn khuyến nông nhà nước tập trung hỗ trợ cho những vùng khó khăn.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là đến năm 2030, 90% số xã trên cả nước có tổ khuyến nông cộng đồng; trên 50% tài liệu kỹ thuật khuyến nông được số hóa, hình ảnh hóa, cập nhật trên cơ sở dữ liệu khuyến nông quốc gia; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ cho khoảng 100.000 nông dân; 70% số mô hình, dự án khuyến nông được xây dựng và phát triển theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, đem lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cho những người tham gia và cộng đồng.

khuyen nong phai chuyen doi phuong thuc san xuat truyen thong sang canh tac nong nghiep huu co hien dai thong minh hinh 2

Quang cảnh cuộc họp.

Chiến lược phải rõ ràng, mạch lạc

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác khuyến nông đối với người nông dân trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đa dạng, bảo đảm an ninh lương thực.

Chiến lược phải rõ ràng, mạch lạc khi xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của công tác khuyến nông nhằm đóng góp nhiều nhất vào việc thực hiện các chiến lược, mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Khuyến nông phải cùng với bà con nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang canh tác nông nghiệp hữu cơ, hiện đại, thông minh; kết nối các khâu, chuỗi sản xuất - thương mại; nâng cao chất lượng, năng suất, kiểm soát an toàn thực phẩm; phát triển các vùng hàng hoá, thương hiệu nông sản cung cấp cho thị trường trong nước, quốc tế với chất lượng cao nhất; xây dựng các mô hình gắn với chiến lược phát triển từng vùng, sản phẩm nông nghiệp quốc gia, du lịch nông nghiệp, nông nghiệp đô thị;…

Bên cạnh đó, Chiến lược Khuyến nông cần bổ sung thêm cơ chế, chính sách huy động các trường, viện nghiên cứu nông nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho công tác khuyến nông, cũng như bà con nông dân; quỹ phòng ngừa rủi ro trong sản xuất nông nghiệp;…

Quốc Trần