Còn gần ba tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, việc buôn bán pháo hoa đang diễn ra vô cùng sôi động.
Chỉ cần một cú nhấp chuột tìm kiếm, người dùng dễ dàng tìm kiếm và gia nhập các hội nhóm công khai với hàng nghìn thành viên có tên "Pháo Z121...", "Mua pháo uy tín", "Pháo Tết 2024", "Đại lý và nhà phân phối pháo Z121"...
Các hội nhóm này hoạt động trong vòng nhiều năm qua, thường xuyên đăng tải các bài quảng cáo bán pháo hoa với mẫu mã đa dạng từ pháo sáng, pháo nháy, pháo nổ đến pháo hoa cầm tay.
Đồng thời, kèm theo đó là các lời quảng cáo “pháo hoa an toàn”, “pháo hoa không nổ”, thậm chí cả “pháo nổ” được rao tràn lan, thu hút sự quan tâm lớn từ người mua.
Người bán không chỉ rao bán hình ảnh mà còn chia sẻ video minh họa về cách sử dụng và sự đẹp mắt của từng loại pháo hoa.
Trong khi đó, tính tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có một điểm bán pháo hoa chính thức nào đi vào hoạt động.
Một tài khoản ẩn danh rao bán pháo trên hội Pháo hoa Bộ Quốc Phòng đăng tải bài viết: “Bên em vẫn sẵn các loại pháo hoa phục vụ anh chị em nhà mình dịp Tết, khai trường, cưới hỏi. Em nhận sỉ lẻ trên toàn quốc, bao hàng, kiểm tra thoải mái”.
Đồng thời chủ tài khoản cũng báo giá chi tiết, trong đó, giàn phun hoa 25 viên nén là 500.000 đồng, giàn phun hoa 36 viên nén là 600.000 đồng, giàn nhấp nháy 25 viên nén là 450.000 đồng, pháo hoa nổ có giá 500.000 đồng/bệ 36 quả, pháo trứng 20 nghìn đồng/quả, pháo bi 400.000 đồng/bịch 100 quả, pháo cối 50.000 đồng/quả,...
Khi phóng viên có nhu cầu mua sỉ số lượng lớn, người này khẳng định “luôn có số lượng lớn đầu thùng tại kho, khách muốn mua bao nhiêu cũng có nhưng phải cọc trước 50%”.
Ghi nhận đa phần các đối tượng rao bán pháo lậu qua mạng đều sử dụng các tài khoản Facebook hoặc các tài khoản Zalo không có thông tin chính xác để tiện hoạt động. Các chủ tài khoản đều rao bán đủ loại pháo xen lẫn cả "pháo của Bộ Quốc phòng" và nhiều loại pháo khác.
Hầu hết chủ tài khoản không niêm yết giá bán, địa chỉ cụ thể mà yêu cầu khách hàng nhắn tin riêng, giao dịch online thông qua số điện thoại hoặc tin nhắn trên mạng xã hội.
Người bán đều cam kết đáp ứng đầy đủ số lượng theo nhu cầu của người mua, an toàn sử dụng, có hóa đơn bán lẻ, hàng không đặt cọc, uy tín, nhận hàng kiểm tra mới thanh toán…
Đáng chú ý, nhiều tài khoản rao bán công khai khẳng định an toàn và không gây cháy nổ, có hoá đơn, chứng từ rõ ràng.Tuy nhiên, khi được yêu cầu sao kê hoá đơn, các đối tượng đều mập mờ, lảng tránh.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ có Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (thuộc Bộ Quốc phòng) mới được cấp phép sản xuất và bán các loại pháo hoa an toàn. Việc mua bán, sử dụng các loại pháo hoa và pháo nổ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn đều bị cấm.
Thực tế, thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã tiến hành rà soát, bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển, buôn bán pháo hoa trái phép.
Mới đây, vào tối 13/11, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra nhà đối tượng Việt tại xã Trung Hòa, phát hiện đối tượng này đang cất giấu hơn 270 hộp pháo hoa nổ (gần 500kg) không rõ nguồn gốc. Công an huyện Trảng Bom đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số tang vật để điều tra, xử lý.
Trước đó, ngày 11/11, Đội CSGT Quốc lộ 1 thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giữ một đối tượng vận chuyển pháo trái phép với 72 hộp pháo hoa nhãn hiệu Thái Lan (mỗi hộp nặng 1,7kg) và 3.000 quả pháo bi nhãn hiệu nước ngoài.
Nguyễn Linh