ĐHĐCĐ bất thường LPBank: Thay đổi trụ sở chính, mua tối đa 5% vốn FPT, chia cổ tức 16,8%

Admin
(CLO) Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của LPBank đã thông qua việc rời trụ sở chính khỏi Hà Nội đến một tỉnh thành khác, đồng thời thống nhất phương án tăng vốn chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 16,8%, đầu tư tối đa 5% vốn của FPT…

Chiều 16/11, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, mã chứng khoán: LPB) họp đại hội đồng cổ đông bất thường tại Ninh Bình. Đại hội đã thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, đồng thời thống nhất phương án tăng vốn chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 16,8%, đầu tư tối đa 5% vốn của FPT… 

Cụ thể, đại hội cổ đông đã thông qua việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024. Trước đó đại hội đồng cổ đông thướng niên năm 2024 đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ lên 33.576 tỷ đồng thông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. 

Tuy nhiên căn cứ tình hình thị trường và định hướng phát triển của LPBank, đảm bảo lợi ích của cổ đông và của LPBank, HĐQT đã họp và quyết định trình phương án điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 16,8%. Vốn điều lệ sau khi tăng tối đa là 29.873 tỷ đồng. 

dhdcd bat thuong lpbank thay doi tru so chinh mua toi da 5 von fpt chia co tuc 168 hinh 1

Chủ tịch HĐQT LPBank Nguyễn Đức Thụy - Chủ tọa trả lời các câu hỏi của cổ đông.

Theo tiết lộ của lãnh đạo LPBank, ngân hàng sẽ duy trì mức chia cổ tức này và có thể nâng lên 20% kể từ năm 2025. Bên cạnh đó, HĐQT LPBank cũng đã trình đại hội phê duyệt việc chuyển địa điểm trụ sở chính hiện tại của LPBank từ LPB Tower, số 210 đường Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội sang một địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển ngân hàng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Địa điểm cụ thể sẽ được uỷ quyền cho HĐQT LPBank toàn quyền quyết định. Lãnh đạo LPBank cho hay, sự dịch chuyển này là xu thế của ngành ngân hàng trong việc xây dựng chiến lược tập trung phát triển đặc biệt là ở vùng nông thôn, đô thị loại 2 góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách toàn diện, đồng đều trên cả nước phù hợp với định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. 

LPBank cũng cho biết, hiện nay, trong xu thế phát triển mới, cả nước đang tích cực và nỗ lực xây dựng quy hoạch tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn, chính sách hỗ trợ/ưu đãi đối với các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại địa phương và khu vực. 

Ngân hàng cũng trình cổ đông phương án đầu tư tối đa 5% vốn điều lệ của Công ty CP FPT. Theo đó, ban lãnh đạo LPBank cho biết bên cạnh hoạt động kinh doanh ngân hàng đóng vai trò trung tâm, ngân hàng muốn đầu tư vào cổ phiếu niêm yết nhằm giúp đa dạng hóa kênh đầu tư và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông. 

Đóng cửa phiên 15/11, thị giá cổ phiếu FPT dừng ở mức 133.900 đồng/cp. Ước tính với mức giá này, giá trị 5% vốn cổ phần của FPT (73 triệu cổ phiếu) có giá trị khoảng gần 9.800 tỷ đồng. 

LPBank đánh giá FPT là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, có nền tảng kinh doanh bền vững với tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong thời gian dài. Công ty ngày càng dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị công nghệ nhờ tập trung vào Al, Cloud, Big Data và những lĩnh vực chuyên ngành nhiều tiềm năng phát triển. 

Cùng với đó, cổ phiếu FPT là một trong số ít cổ phiếu duy trì đà tăng giá ổn định qua các năm, chi trả cổ tức đều đặn. Hiện nay, cổ phiếu FPT đang có thanh khoản tốt, thuộc danh mục thành phần chỉ số VN30. 

dhdcd bat thuong lpbank thay doi tru so chinh mua toi da 5 von fpt chia co tuc 168 hinh 2

LPBank bầu bổ sung 2 thành viên độc lập HĐQT, tăng cường năng lực quản trị.

Tại đại hội bất thường này, HĐQT LPBank đã trình cổ đông việc nâng số lượng HĐQT từ 7 lên 9 thành viên, với 3 thành viên độc lập. Hai ứng viên độc lập được HĐQT đề cử vào tại ĐHĐCĐ lần này là bà Vương Thị Huyền (SN 1974) và ông Phạm Phú Khôi (SN 1963).  

An Hạ