Chiều 9/1, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào năm 2025 với chủ đề "Thúc đẩy cùng phát triển bền vững và thịnh vượng".
Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước.
Doanh nghiệp Việt Nam và Lào tăng cường tìm hiểu các cơ hội hợp tác, đầu tư trên các lĩnh vực
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đánh giá thời gian qua, nhiều dự án đầu tư trên các lĩnh vực của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào được triển khai rất tích cực, hiệu quả. Chính phủ Lào luôn tích cực đôn đốc xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào các ngành, lĩnh vực phù hợp kế hoạch, ưu tiên phát triển kinh tế.
Đồng thời, Chính phủ Lào đã xem xét áp dụng một số chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư.
Thủ tướng Lào nêu rõ, Chính phủ hai nước có quyết tâm cao và nhất trí hai bên cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy hội nhập và kết nối, đặc biệt là thúc đẩy các dự án kết nối với Việt Nam như các dự án đường sắt, đường bộ, cảng biển Vũng Áng 1, 2, 3; thúc đẩy hợp tác hàng không…
Thủ tướng Sonexay Siphandone kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam và Lào tăng cường tìm hiểu các cơ hội hợp tác, đầu tư trên các lĩnh vực, nhất là đẩy mạnh hợp tác phát triển các khu công nghiệp để tăng cường chế biến sâu các nguyên liệu của Lào, trên cơ sở Việt Nam có kinh nghiệm phát triển các khu công nghiệp như khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP). Phát triển năng lượng sạch, năng lượng gió… cũng là những lĩnh vực khuyến khích đầu tư.
Thủ tướng Lào lưu ý các doanh nghiệp đầu tư vào Lào cần quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả đất đai, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao năng lực sản xuất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động Lào…
Thủ tướng Sonexay Siphandone mong hai bên phát huy truyền thống hợp tác tốt đẹp, tiếp tục tổ chức thêm nhiều diễn đàn, hội nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, tương xứng mối quan hệ đặc biệt hết sức tốt đẹp giữa hai nước.
Đẩy mạnh kết nối hạ tầng mềm và hạ tầng giao thông
Tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Lào đạt trên 5,7 tỷ USD. Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Việt Nam luôn nằm trong tốp 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào. Riêng năm 2024, vốn đầu tư của Việt Nam sang Lào tăng trên 62% so với 2023 (đạt trên 191 triệu USD).
Tổng kim ngạch thương mại hai nước năm 2024 ước đạt 2,2 tỷ USD, với mức tăng ấn tượng 33,9% so với năm 2023, trong đó Lào đã xuất siêu sang Việt Nam 732,7 triệu USD.
Chia sẻ với các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ năm 2025, cả hai nước đều bước vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội Đảng tại mỗi nước. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, trước nhiều vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu, hai nước Việt Nam – Lào có quan hệ đặc biệt càng phải đoàn kết, thống nhất hơn nữa để ứng phó với các vấn đề phát sinh và tiếp tục xây dựng, phát triển đất nước.
Với tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa", Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ và phát triển quan hệ hữu nghị với Lào. "Có thể nói, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào có ý nghĩa quyết định với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của mỗi nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cho rằng hợp tác kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của hai bên, Thủ tướng Phạm Minh chính đề nghị các cơ quan, các địa phương cần quyết tâm cao hơn, cùng nhau hành động quyết liệt, tích cực hơn nữa, tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn về thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách về thuế, thủ tục, phí, lệ phí. Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối hạ tầng mềm và hạ tầng giao thông, nhất là thúc đẩy các dự án đường sắt Hà Nội – Vientiane, đường bộ cao tốc Vũng Áng-Vientiane, cảng Vũng Áng 1, 2, 3…
Đồng thời, đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng, kết nối doanh nghiệp giữa hai nước và với nước thứ ba, phát huy các thế mạnh của mỗi bên như Lào có thế mạnh về nguồn nguyên liệu, Việt Nam có năng lực chế biến sâu, có thị trường xuất khẩu rộng mở.
Về các kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng đánh giá là rất sát thực tế, đề nghị các bộ ngành, cơ quan, địa phương của hai nước chủ động giải quyết, trên tinh thần cắt giảm thủ tục, phân cấp, phân quyền cho địa phương để làm thủ tục nhanh hơn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Về nguồn lực, Thủ tướng đề nghị làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác các lĩnh vực có thế mạnh của Lào như khoáng sản, năng lượng, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, quang điện tử, y sinh học, năng lượng sạch...
Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước tiếp tục đoàn kết, thống nhất, giúp đỡ nhau, kiên trì, kiên định, quyết tâm, quyết liệt để tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh với tất cả nhiệt huyết, khả năng của mình; cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thẳng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, niềm hạnh phúc và sự tự hào.
"Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư tại Lào chính là đầu tư cho Việt Nam; ngược lại, các doanh nghiệp Lào sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam cũng chính là sản xuất, kinh doanh cho Lào. Lợi ích của hai đất nước cũng là lợi ích của doanh nghiệp chúng ta. Chúng ta đầu tư, kinh doanh không chỉ có vấn đề lợi nhuận mà còn có tình cảm và trách nhiệm, tri ân các thế hệ đi trước", Thủ tướng phát biểu.