Tại tờ trình Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM, nhằm thực hiện theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, TP HCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến số 7) với tổng chiều dài khoảng 355km.
Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, trước đây hệ thống metro ở TP HCM được thiết kế với tư duy giao thông vận tải, chưa dựa trên mô hình phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD). “Vì thời gian quy hoạch ngắn và áp lực tiến độ nộp cho Trung ương, đơn vị tư vấn chưa có điều kiện nghiên cứu sâu để tổ chức hệ thống metro theo hướng TOD. Đây là điểm cần xem xét lại”, ông Sơn nêu.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc TP HCM đặt mục tiêu sẽ xây dựng hoàn chỉnh 355km đường sắt đô thị trong vòng 10 năm mặc dù là nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng “chúng ta hoàn toàn có thể đạt được nếu chuẩn bị kỹ càng”.
Ông nhấn mạnh việc trước khi triển khai cần dành thời gian để nghiên cứu và xây dựng quy hoạch TOD bài bản, như "mài rìu thật sắc trước khi chặt cây". Vị chuyên gia đưa ra một ví dụ thành công là Thâm Quyến - nơi đã xây dựng hàng chục tuyến metro trong vòng vài năm nhờ quy trình chuẩn và sự quyết tâm cao.
Theo đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn chỉ ra 2 nhiệm vụ lớn cần tập trung. Một là hoàn thiện TOD trên tuyến metro số 1. “Tuyến này có nhiều tiềm năng để phát triển các khu vực đô thị mới theo mô hình TOD. Chúng ta cần triển khai bài bản về mặt giao thông, quy hoạch đô thị, tài chính, và các dịch vụ đi kèm”, ông Sơn nêu.
Thứ hai là rà soát lại toàn bộ quy hoạch TOD. Theo vị kiến trúc sư, mặc dù đã được Thủ tướng phê duyệt, TP HCM cần mạnh dạn điều chỉnh theo tinh thần TOD. Điều này giúp khai thác hiệu quả các tuyến metro và giảm lãng phí tài nguyên.
“Quy hoạch hiện tại chủ yếu dựa trên công năng vận tải, tập trung vào các khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, nếu áp dụng tư duy TOD, chúng ta có thể phát triển các đô thị mới, giãn dân và giảm chi phí đền bù, giải tỏa. Ví dụ, thay vì đi qua khu vực đông dân cư, tuyến metro có thể chạy gần các khu dân cư và kết nối bằng xe buýt nhanh. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng đô thị mới”, KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích.
Theo ông, hệ thống giao thông công cộng hiệu quả không chỉ giới hạn ở Metro mà cần được tổ chức đa dạng, bao gồm đường sắt tốc độ cao, Monorail, Tramway, xe buýt và cả buýt đường sông. Tất cả phải kết nối thành một mạng lưới đồng bộ, giúp người dân dễ dàng di chuyển giữa các điểm trong thành phố.
“Việc xây dựng không gian ngầm đi kèm với metro là một thách thức lớn, đặc biệt khi chưa có nhiều tiền lệ tại Việt Nam. Học hỏi từ thành phố Montreal, nơi có hệ thống không gian ngầm rộng lớn, chúng ta cần lường trước các nguy cơ như ngập lụt, an toàn cháy nổ, và vấn đề thông thoáng cho người sử dụng. Các giải pháp như xây dựng bể chứa nước lớn, đảm bảo hệ thống thoát hiểm và thiết kế logistic hợp lý giữa không gian ngầm và mặt đất là rất cần thiết", ông Sơn lưu ý.
Cùng với đó, ông cho rằng hiện nay, khung pháp lý chưa được thiết kế để hỗ trợ hiệu quả cho mô hình TOD, dẫn đến nhiều điểm nghẽn trong quá trình thực hiện. Vì vậy, cần thiết lập một cơ quan chuyên trách, chẳng hạn một tập đoàn đường sắt gắn với phát triển TOD, để kết nối các sở ngành và xây dựng quy trình chuẩn, từ pháp lý, kỹ thuật, đến quản lý vận hành.
Cùng quan điểm, PGS.TS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Lê Trung Chơn cho rằng, không thể thay đổi thói quen của người dân bằng mệnh lệnh hành chính. Hiện nay, người dân chọn xe máy vì sự tiện lợi và vì chưa có phương tiện công cộng thay thế phù hợp. Khi giao thông công cộng được tổ chức tốt, cung cấp đủ tiện ích và hiệu quả, người dân sẽ tự nhiên thay đổi thói quen.
“Nếu hệ thống giao thông công cộng có thể đáp ứng khoảng 20% nhu cầu di chuyển trong đô thị, điều này đã là một sự thay đổi mang tính bản chất cho thành phố. Hệ thống đồng bộ, tích hợp các loại phương tiện như metro, xe buýt và các hình thức khác, sẽ không chỉ thay đổi diện mạo đô thị mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, tăng giá trị đất đai và nâng cao chất lượng sống”, ông Chơn nhấn mạnh.