Thông tin một số mục tiêu lớn về quy hoạch của TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố xác định đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị toàn cầu; có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2050, TP HCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP HCM và vùng Đông Nam bộ; cực tăng trưởng của cả nước.
Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385 - 405 triệu đồng, tương đương 14.800 - 15.400 USD. Dự báo quy mô dân số thực tế thường trú đến năm 2030 khoảng 11 triệu người, đến năm 2050 khoảng 14,5 triệu người.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, để triển khai thực hiện tốt, hiệu quả quy hoạch TP HCM cần thực hiện 7 giải pháp chính về: huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; bảo vệ môi trường; liên kết vùng và hợp tác quốc tế; quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn; quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn.
Người đứng đầu chính quyền TP HCM cho hay, dự kiến giai đoạn 2026 – 2030, thành phố dự ước huy động trên 4,4 triệu tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách 1,1 triệu tỷ đồng, cần huy động các nguồn vốn xã hội trên 3,3 triệu tỷ đồng.
Đối với dự án trọng tâm trong kỳ quy hoạch, gồm có xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 và 4 cây cầu lớn (cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Đồng Nai 2, cầu Phú Mỹ 2).
Đồng thời, đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, TP HCM - Cần Thơ, 7 tuyến đường sắt đô thị, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng hành khách quốc tế Nhà Rồng - Khánh Hội, Phú Thuận.
Ở lĩnh vực khoa học công nghệ, TP HCM ưu tiên các dự án trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, khu công viên khoa học công nghệ Thủ Đức.
Cùng với đó, TP HCM cũng tiếp tục đầu tư các khu công nghiệp: Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II, An Phú và cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò, Quy Đức, Dương Công Khi, Thới sơn B, nhà máy điện LNG Hiệp Phước, trung tâm công nghệ sinh học quốc gia.
Ở lĩnh vực đô thị, TP HCM ưu tiên hoàn thiện phát triển khu đô thị Thủ Thiêm, Bình Quới - Thanh Đa, Trường Thọ, Hiệp Phước và khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Một số dự án lớn khác còn có trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm hội chợ, triển lãm, trung tâm logistics, khu thương mại tự do, khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, trung tâm nghệ thuật đa năng...
Hiện, TP HCM đã xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch. Sắp tới sẽ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, sớm trình Thủ tướng phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.