Nhà Khang Điền (KDH) Lợi nhuận Quý 4 lao dốc 73,3%, nợ vay tăng hơn 4.000 tỷ đồng

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) ghi nhận lợi nhuận quý 4 lao dốc mạnh, nợ vay tăng hơn 4.000 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh âm nặng.

Nhà Khang Điền (KDH) kinh doanh sụt giảm, lợi nhuận Quý 4 lao dốc tới 73,3%

Báo cáo kết quả kinh doanh Quý 4 của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu đạt 1.234,1 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu giảm nhưng giá vốn hàng bán lại tăng mạnh từ 105,3 tỷ đồng lên tới 935,9 tỷ đồng. Điều này đã khiến cho lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ bị bào mòn chỉ còn 298,2 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận ở mức 9,3 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính bỏ ra lên tới 29,2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm mạnh từ 112,1 tỷ đồng xuống chỉ còn 42,1 tỷ đồng do thị trường bất động sản đóng băng trong giai đoạn nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn tăng từ 48,6 tỷ đồng lên mức 57,5 tỷ đồng.

nha-khang-dien-1675745612.jpeg
Nhà Khang Điền (KDH) lợi nhuận Quý 4 lao dốc 73,3%, nợ vay tăng tới 4.000 tỷ chỉ trong 1 năm. (Ảnh TL)

Sau khi trừ đi hết các loại chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Nhà Khang Điền còn lại 110,7 tỷ đồng, giảm tới 73,3% so với cùng kỳ.

Lũy kế doanh thu cả năm 2022 của Nhà Khang Điền đạt 2.912 tỷ đồng, giảm 22,1%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 1.081,3 tỷ đồng, giảm 10,2%. So với mục tiêu năm 2022 với doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kế hoạch 1.400 tỷ đồng thì Nhà Khang Điền mới chỉ hoàn thành được 70,3% kế hoạch doanh thu và 77,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Nợ vay dài hạn tăng tới 4000 tỷ chỉ trong 1 năm, tồn kho tại các dự án nhà ở cũng tăng thêm 4.700 tỷ đồng

Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Nhà Khang Điền ghi nhận ở mức 21.631,9 tỷ đồng, tăng tới gần 7.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý trong đó là chỉ tiêu về tiền và các khoản tương đương tiền tăng gần gấp đôi từ 1.365,4 tỷ đồng lên mức 2.752,1 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 4.205,6 tỷ đồng lên mức 5.303,2 tỷ đồng. Chỉ tiêu về hàng tồn kho cũng đồng thời tăng mạnh từ mức 7.732,8 tỷ đồng lên mức 12.440,6 tỷ đồng. Đây đều là bất động sản xâu dựng dở dang bao gồm các dự án đang triển khai để phát triển các khu dân cư.

Trong đó, tồn kho nhiều nhất ở dự án Khang Phúc - Khu Dân cư Tân Tạo với 5.316,1 tỷ đồng; dự án Đoàn Nguyên - Khu nhà ở Đoàn Nguyên với 3.257,9 tỷ đồng; dự án Bình Trưng - Bình Trưng Đông với 1.077,9 tỷ đồng; các dự án Khang Phúc - An Dương Vương, Khang Phúc - Khu Dân cư Bình Hưng 11A, Thủy sinh Phú Hữu đều tồn kho trên dưới 500 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu nguồn vốn, Nợ phải trả chiếm 9.837,8 tỷ đồng trong nguồn vốn của Nhà Khang Điền, tương đương tỷ lệ 45,5% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý nhất đó là chỉ tiêu về vay ngắn hạn tăng từ 814,6 tỷ đồng đầu năm lên 1.028 tỷ đồng, tương ứng với việc nợ ngắn hạn đã gia tăng thêm gần 214 tỷ đồng trong 1 năm.

Nợ dài hạn thậm chí còn ghi nhận tăng trưởng mạnh hơn với chỉ tiêu về các khoản vay dài hạn tăng từ 1.737,9 tỷ đồng lên 5.743 tỷ đồng, tương ứng với việc nợ dài hạn tăng lên tới 4005 tỷ đồng chỉ trong năm 2022. Các khoản vay dài hạn của Nhà Khang Điền chủ yếu nằm ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông - CN Quận 4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - CN 11, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - CN Tp. HCM.

Về vốn chủ sở hữu, Nhà Khang Điền ghi nhận vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2022 đạt 11.794,1 tỷ đồng, tăng khoảng hơn 1.500 tỷ đồng so với đầu năm. Như vậy, có thể thấy rằng chủ yếu phần tài sản tăng thêm trong năm 2022 của Nhà Khang Điền đến từ khoản vay nợ dài hạn tại các Ngân hàng thương mại để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Dòng tiền âm nặng 1.824 tỷ đồng, phải vay nợ thêm hàng nghìn tỷ để trang trải

Tồn kho tại các dự án bất động sản của Khang Điền tăng cao được dự đoán là do sự đóng băng của thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2022. Do đó không quá khó hiểu khi đơn vị này đã gặp khó khăn không nhỏ trong việc xoay sở dòng tiền phục vụ cho các dự án. Cụ thể thì dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Nhà Khang Điền ghi nhận ở mức âm 1.824,1 tỷ đồng do hàng tồn kho tăng mạnh lên mức 4.707,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính lại tăng tới 3.230,4 tỷ đồng, chủ yếu nguồn tiền đến từ việc đi vay với ghi nhận tiền đi vay lên tới 4.208,5 tỷ đồng. Mặc dù đi vay nhiều tiền nhưng lưu chuyển tiền trong hoạt động đầu tư của Khang Điền vô cùng thấp, chỉ quanh ngưỡng vài chục tỷ đồng.

Điều này cho thấy phần lớn nguồn tiền trong số hàng nghìn tỷ đồng phía trên đã được dùng để bù đắp cho sự bết bát trong kinh doanh của Nhà Khang Điền năm 2022.