Biểu dương Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã hoàn thành toàn diện nhiều nhiệm vụ, trong đó có một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu Tổng cục tập trung phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng; xây dựng bộ tiêu chí công nghiệp quốc phòng hiện đại trong tình hình mới; quyết liệt thực hiện các nội dung đã xác định trong kế hoạch triển khai chương trình trọng điểm.
Đồng thời, Tổng cục cần thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình để tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các nội dung liên quan vũ khí trang bị, công nghiệp quốc phòng; đề xuất nội dung hợp tác công nghiệp quốc phòng với các nước.
Đại tướng Phan Văn Giang lưu ý Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đẩy mạnh nghiên cứu chế thử vũ khí trang bị mới; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ các cấp; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ trong nước và quốc tế; đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, kỹ thuật công nghệ, rút ngắn thời gian nghiên cứu, sớm đưa các sản phẩm mới vào sản xuất, trang bị cho Quân đội.
Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cũng cần tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị, tàu quân sự và kinh tế đảm bảo tiến độ, chất lượng đạt và vượt mức chỉ tiêu đã đề ra; đẩy mạnh áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại; nghiên cứu, sắp xếp tổ chức biên chế cho phù hợp, đúng quy định, nhất là ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp.
Theo Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, năm 2023, Tổng cục đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; hoàn thành báo cáo Chính phủ phê duyệt và quyết liệt triển khai Kế hoạch thực hiện các chương trình trọng điểm; xin ý kiến Quốc hội về hồ sơ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đạt sự đồng thuận cao.
Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã tập trung huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền công nghệ tăng năng lực sản xuất quốc phòng. Năm 2023, Tổng cục thực hiện 66 dự án, 49 báo cáo kinh tế kỹ thuật; tích cực triển khai đổi mới phát triển công tác khoa học - công nghệ, đã triển khai thực hiện 150 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp đạt kết quả tốt, đánh giá, nghiệm thu được 38 đề tài, trong đó có 31 sản phẩm đã đề nghị sản xuất loạt, đạt 81,5%.
Nỗ lực sản xuất, sửa chữa vũ khí lục quân và đóng mới, sửa chữa tàu quân sự, Tổng cục đã hoàn thành sản xuất, sửa chữa trên 90 chủng loại sản phẩm vũ khí lục quân; đóng mới, sửa chữa hàng trăm tàu quân sự. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt được cao hơn so với năm 2022, tổng doanh thu bằng 105% so với năm 2022.
Đáng chú ý, Tổng cục đã thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại và hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng; tham mưu với Bộ Quốc phòng cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác về công nghiệp quốc phòng với các nước; báo cáo và được Thường vụ Quân ủy Trung ương thông qua Đề án Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024; tham gia có hiệu quả trưng bày sản phẩm của Việt Nam tại Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự quốc tế 2023 (Army 2023) và các hội chợ triển lãm quốc tế, được các đối tác đánh giá cao…